|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đại 'Nami' và khát vọng toàn cầu

06:56 | 24/05/2018
Chia sẻ
Từng thất bại, nợ tiền tỷ nhưng Giáp Văn Đại (SN 1991, quê Bắc Giang, biệt danh Đại “Nami”) đã “vượt qua chính mình”, xây dựng thành công hệ sinh thái tài chính Nami có công nghệ lõi là blockchain và trí tuệ nhân tạo. Nami hiện có hơn 50 nghìn người dùng. Khách hàng ngoài Việt Nam còn có Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... và hơn 1.500 nhà đầu tư.
dai nami va khat vong toan cau
Giáp Văn Đại (người cầm điện thoại) trao đổi công việc với các thành viên. Ảnh: NVCC.

Thất bại vì mục tiêu viển vông

Năm 2012, Giáp Văn Đại lập Công ty MUAEA để triển khai mô hình Co-working Space (không gian làm việc chung) tại Hà Nội, vốn là tiền làm thuê từ năm 18 tuổi. Sau vài năm hoạt động khó khăn trong gọi vốn và chuyển hướng kinh doanh, Đại lập Cty CP Công nghệ cao toàn cầu PFM Global, tiến vào lĩnh vực công nghệ tài chính. Đại cùng các cộng sự dồn tâm sức thực hiện ý tưởng xây dựng Nami Assistant - trợ lý ảo cung cấp thông tin, biến động thị trường ngoại hối, tiền điện tử liên tục 24/24 cho các nhà giao dịch. Trên thế giới chưa có sản phẩm nào tương tự và trợ lý con người thông thường hạn chế không thể theo sát diễn biến, thông tin thị trường liên tục suốt cả ngày.

Để tạo ra Nami, Đại và các cộng sự phải tự học hỏi, tìm tòi, chia sẻ kiến thức với nhau về trí tuệ nhân tạo (AI). Tháng 12/2016, Nami chính thức xuất hiện trên Facebook Messenger sau khi giành giải thưởng trong cuộc thi lập trình maraton 24h Facebook Hackathon Vietnam. Nami Assistant được đánh giá là ứng dụng hỗ trợ đắc lực cho giới tài chính. Không chỉ cung cấp thông tin về biến động thị trường tài chính hàng ngày, Nami còn cung cấp các công cụ quản lý tài khoản, danh mục đầu tư, học hỏi cách thức đầu tư của các nhà giao dịch chuyên nghiệp, nhận nhiệm vụ đầu tư từ người dùng và cung cấp các khóa học nâng cao kiến thức tài chính. Năm 2017, trợ lý ảo Nami giành giải Triển vọng trong cuộc thi Fintech Pitch do Ngân hàng VPBank phối hợp tổ chức. Chỉ sau ba tháng chính thức đi vào hoạt động Nami đã có hơn 19 nghìn người sử dụng. Những giải thưởng như “doping” tăng sức mạnh và niềm tin cho Đại cùng cộng sự bước vào giai đoạn gọi vốn. Thế nhưng các quỹ đầu tư lại “lắc đầu” với lý do sản phẩm quá mới, không tin tưởng vào mục tiêu quá viển vông: Chinh phục thị trường tài chính quốc tế.

“Năm 2017 chúng mình đã rất nỗ lực nhưng nhiều lúc bế tắc, thậm chí tưởng chừng sụp đổ khi công ty cạn tiền nợ lương nhân viên 6 tháng, tài khoản âm gần một tỷ đồng; cơ hội hợp đồng chuẩn bị được ký kết thì bị trượt vào phút cuối. Mình đã muốn mỗi buổi sáng không phải thức dậy, nhưng áp lực trước các nhà đầu tư và những người đã đồng hành buộc bản thân không được bỏ cuộc”, Đại nhớ lại.

Nami đã thoát hiểm ngoạn mục khi Đại đổi đối tượng tiếp cận là các nhà giao dịch, đầu tư cá nhân - cũng có nhu cầu lớn về trợ lý tài chính, gọi vốn cộng đồng. Kết quả thu hút được hơn 1.500 nhà đầu tư và gọi vốn thành công làm bệ phóng cho hàng loạt sản phẩm khác của Nami.

dai nami va khat vong toan cau
Hiện có hơn 50 nghìn người sử dụng trợ lý tài chính ảo Nami.

Săn” đầu người

Không chỉ đặt mục tiêu khó tin với một startup mới khởi sự, Giáp Văn Đại còn mang tới những bất ngờ chiêu mộ nhân sự. Đại kể trường hợp tâm đắc là Tống Quốc Đạt (SN 1983), hiện là giám đốc tài chính của Nami. Trước đó, anh Đạt đang đảm nhiệm vị trí phát triển và phân phối sản phẩm thương hiệu cho các khách hàng VIP của VPBank; từng du học Mỹ về chuyên ngành quản trị kinh doanh và nhiều năm làm trong lĩnh vực đầu tư tài chính, phân tích kinh tế. “Sau những lần gặp gỡ, kiên trì mời, mình đã đặt câu hỏi về sự thăng tiến đối với anh Đạt. Trong 3-5 năm nữa anh làm ở cấp nào, có lên được tổng giám đốc của VPBank? Nhưng 3-5 năm nữa, Nami có thể đạt tổng định giá ngang bằng với VPBank như bây giờ, quan trọng anh có muốn đi cùng? Cuối cùng, anh Đạt trở thành thành viên thứ 6 của Nami. Đến giờ mình vẫn thấy thật liều lĩnh”, Đại kể.

Việc kéo được nhân sự cấp cao của ngân hàng về công ty mang đến sự tò mò và bất ngờ về Nami trong giới ngân hàng, quỹ đầu tư. Từ đó, mang tới cú hích thu hút được nhiều nhân lực trẻ tài năng về đầu quân cho công ty. “Chúng ta không đủ năng lực và thời gian tuyển hết những người giỏi, nhưng có thể tuyển người thực sự giỏi để thu hút được những nhân lực tài năng khác đồng hành”, Đại chia sẻ.

Đến nay, công ty của Đại đã có 6 văn phòng đặt tại Hà Nội, TPHCM, Singapore, California (Mỹ) với 75 nhân viên là người Việt, người gốc Việt và nước ngoài. Theo Đại, bí quyết thành công thu hút và kết nối người có năng lực làm việc phát huy khả năng sáng tạo là sự chia sẻ và mạnh dạn tin tưởng. Trong trao đổi công việc là sự thẳng thắn.

Mục tiêu một triệu người dùng

Từ sản phẩm đầu tiên, Nami đã phát triển với nhiều sản phẩm hình thành hệ sinh thái tài chính ứng dụng công nghệ blockchain, như sàn giao dịch và đầu tư tự động Nami.trade. Điểm mới của sàn giao dịch này là phí giao dịch gần như bằng 0, xoá khái niệm “mua vào” “bán ra”, tăng tính minh bạch. Điều này khác với sàn giao dịch truyền thống có phí rất cao do không có thanh khoản, bên bán phải chờ bên mua mới có thể giao dịch. “Phí đó làm cho nhà đầu tư có tỷ lệ thua lỗ cao hơn, thua lỗ từ lúc bắt đầu đầu tư. Dự án đang làm thủ tục để đăng ký giấy phép kinh doanh và sở hữu trí tuệ tại Mỹ về mô hình thanh khoản theo thiết kế của Nami”, Đại cho biết.

Ngoài ra, hệ sinh thái Nami còn có các sản phẩm như: Nami.today cung cấp thông tin về thị trường tài chính và tiền tệ điện tử; nami.tv cung cấp thông tin tài chính liên tục trong ngày bằng tiếng Anh trên Facebook và Youtube; nami.exchange, nami.labs,...

Mục tiêu của Nami trong năm 2018 là 1 triệu người sử dụng và tiếp tục đẩy mạnh ra thị trường thế giới như Mỹ với 45% dân số tham gia thị trường chứng khoán, và các nước châu Âu. Theo Đại, mốc 1 triệu người dùng đầu tiên rất khó khăn và có ý nghĩa trong lĩnh vực tài chính. Từ mốc này tăng lên 10 triệu sẽ dễ dàng hơn. “Xa hơn chúng mình hướng tới tỷ lệ người dùng hài lòng với Nami. Mỗi sáng thức dậy mình không quan tâm tới có bao nhiêu tiền vào tài khoản mà quan trọng dự án đi được đến đâu và có bao nhiêu nhà đầu tư quan tâm tới”, Giáp Văn Đại chia sẻ.

“Trợ lý ảo Nami là sản phẩm đầu tiên trên thế giới về lĩnh vực tài chính ở phân khúc nhà đầu tư cá nhân, các quỹ đầu tư. Trợ lý ảo Nami là phần mềm phân tích tài chính đảm nhận phần lớn công việc của nhà đầu tư để họ đưa ra quyết định dễ dàng hơn, hiệu quả và giảm tỷ lệ rủi ro. Với việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên trên nền tảng blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) giúp người dùng dễ dàng tiếp cận, thao tác”.

Giáp Văn Đại

Không chỉ đặt mục tiêu phát triển sản phẩm trong hệ sinh thái Nami, Giáp Văn Đại còn tham vọng muốn góp phần phát triển cộng đồng blockchain Việt Nam vào top những quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ chuỗi khối, nhất là khi blockchain hứa hẹn mở ra cuộc cách mạng công nghệ như Internet đã từng làm. Đầu năm 2018, Nami đã ghi dấu ấn là doanh nghiệp đầu tiên Việt Nam xuất hiện và thu hút được sự chú ý tại diễn đàn tài chính iFX Expo Asia diễn ra tại Hong Kong (Trung Quốc).

Xuân Tùng