|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đại gia Đường 'bia': Dự án chưa xong thủ tục đầu tư, doanh nghiệp của tôi hơn 1.000 người không có việc làm

17:33 | 17/04/2024
Chia sẻ
Ông Nguyễn Hữu Đường cho biết trước đây, Hòa Bình làm dự án tại Hoàng Quốc Việt chỉ trong vòng hai tháng là ra được giấy phép, nhưng hiện có dự án hai năm vẫn chưa xong chủ trương đầu tư

Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Công ty TNHH Hoà Bình. (Ảnh: Tiền Phong).

Tại buổi tọa đàm "Gỡ vướng phát triển nhà xã hội" do báo Tiền Phong tổ chức, đại diện nhiều doanh nghiệp đã nêu ra những vướng mắc, khó khăn về cơ chế, mặt bằng, nguồn vốn... trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội. 

Nêu ý kiến, ông Nguyễn Hữu Đường (hay còn gọi là đại gia Đường bia), Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình cho biết, bản thân doanh nghiệp của ông vừa là chủ đầu tư, vừa là chủ xây dựng. Về luật, ông Đường nhận thấy không có gì vướng mắc, thậm chí rất thoáng. Tuy nhiên, vấn đề quỹ đất vẫn còn nhiều khó khăn.

Cụ thể, doanh nghiệp muốn có quỹ đất thì việc đầu tiên là UBND tỉnh, thành phố phải có quỹ đất được giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, riêng TP Hà Nội, 10 năm nay chưa có quỹ đất sạch nào để đấu thầu chủ đầu tư trong nội thành.

Ông Đường khẳng định nếu không có đất, không thể làm nhà ở xã hội. Ông cho biết thêm, hiện Công ty Hòa Bình có hai khu đất tại Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội).

“Chúng tôi mua đất định làm nhà ở thương mại bởi nhà ở thương mại bán kiếm tiền dễ hơn. Thế nhưng tháng 11/2021, TP Hà Nội kêu gọi khuyến khích kêu gọi nhà ở xã hội nên tôi xin chuyển sang làm nhà ở xã hội. Dự án đã trải qua nhiều lần lấy ý kiến các sở ban ngành, lấy ý kiến Sở TN&MT xem xét đất ở đây có làm nhà ở xã hội hay không. Hiện một dự án đã được cấp chủ trương từ tháng 4/2023 nhưng thủ tục vẫn chưa xong. Còn một dự án vẫn chưa được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư", vị này cho hay.

Ông Đường cho biết thêm, Luật Nhà ở sửa đổi và Luật đất đai sửa đổi có nhiều thông thoáng. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, ông Đường cho rằng, vốn vay chưa quan trọng bằng quỹ đất. “Vừa rồi, tôi gửi văn bản cho Thủ tướng nêu vấn đề quan trọng nhất để phát triển nhà ở xã hội là phải có đất, còn tiền thì ưu tiên cho người mua vay. Chúng tôi làm nhà ở xã hội thì người dân xếp hàng mua. Chủ đầu tư vay cũng được, không vay cũng được vì làm xong móng thôi người ta đã xếp hàng mua rồi”, ông nói.

Để tháo gỡ khó khăn, theo ông Đường, điều quan trọng nhất phải thực hiện nghiêm túc Luật Nhà ở, công bố quỹ đất. Nếu có quỹ đất, doanh nghiệp có thể ứng tiền giải phóng mặt bằng.

"Hiện, các doanh nghiệp xây dựng đang không có công ăn, việc làm. Doanh nghiệp của chúng tôi hơn 1.000 người không có công ăn việc làm, máy móc kéo vào, kéo ra lãng phí vô cùng. Cách đây hai năm, doanh nghiệp của chúng tôi thuộc top lớn mạnh nhưng hiện không có công ăn, việc làm”, ông Đường cho hay

Chủ tịch Công ty Hoà Bình cho rằng, trước đây doanh nghiệp của ông làm dự án tại Hoàng Quốc Việt chỉ trong vòng hai tháng là ra được giấy phép nhưng hiện có dự án hai năm vẫn chưa xong chủ trương đầu tư. "Tất cả việc này gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm doanh nghiệp không có việc làm. Hiện, doanh nghiệp chúng tôi phải bán các toà nhà để trả lương nhân viên nhưng mới chỉ đáp ứng được 30 - 40%", vị này nói.

Công Tâm

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.