Đại gia địa ốc săn tìm vốn rẻ
Nhân dịp công bố quỹ đất mới phát triển 1.200 căn hộ giai đoạn 2017-2018 với quỹ đầu tư Nhật, Chủ tịch công ty bất động sản có trụ sở tại quận 3, TP HCM xác nhận doanh nghiệp đã vay hàng trăm tỷ đồng từ đối tác ngoại. Lãi suất vay được tiết lộ 5% một năm, khá cạnh tranh so với việc vay từ ngân hàng trong nước hiện nay. Lãnh đạo công ty này cho rằng việc tận dụng được nguồn vốn rẻ giúp doanh nghiệp an tâm chuẩn bị dự án.
Đại diện quỹ đầu tư Nhật cho biết việc cho đối tác Việt Nam vay là một phần cam kết hợp tác, song song đó còn có đầu tư tài chính và tham gia vào quá trình phát triển dự án. Hoạt động cho vay cũng mang lại nguồn lợi tức nhất định cho quỹ khi dự án ở giai đoạn mới khởi động, chưa ghi nhận doanh thu. Trong khi đó, công ty Việt Nam cũng được lợi là huy động được nguồn vốn lãi suất cạnh tranh.
"Lãi suất ngân hàng tại Nhật chỉ ở mức 1%, đó là lý do tại sao quỹ chủ động dịch chuyển ra nước ngoài để săn tìm cơ hội", lãnh đạo quỹ đầu tư nói.
Các quỹ đầu tư nước ngoài xem việc cho doanh nghiệp địa ốc vay vốn rẻ là một hình thức đầu tư kép, vừa mang lại dòng tiền nhanh vừa giảm thiểu rủi ro. Ảnh: Lucas Nguyễn |
Trong khi đó, một công ty bất động sản đang phát triển nhiều dự án tại khu Đông TP HCM cũng áp dụng hình thức huy động dòng tiền lãi suất rẻ từ một số đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc. Doanh nghiệp từ chối tiết lộ mức lãi suất vay là bao nhiêu nhưng xác nhận thấp hơn lãi suất ngân hàng trong nước khá nhiều. Kèm theo đó, thời gian vay cũng ổn định trong suốt quá trình triển khai dự án nên tránh được những rủi ro khi tiếp cận dòng vốn ngắn hạn, thả nổi như tại thị trường Việt Nam.
Một hình thức huy động vốn ngoại giá rẻ khác được các doanh nghiệp bất động sản đã niêm yết áp dụng là phát hành cổ phiếu, trái phiếu, mở room cho nhà đầu tư nước ngoài. Khá nhiều doanh nghiệp ngành địa ốc và xây dựng đã thực hiện thành công gồm: Khang Điền, Thủ Đức House, Hòa Bình, Novaland...
Có nhiều năm làm việc cho quỹ đầu tư nước ngoài, CEO Kiến Á Group, Nguyễn Vĩnh Trân xác nhận công ty địa ốc trong nước vay vốn rẻ từ đối tác ngoại dần trở nên phổ biến. Ông Trân phân tích, các quỹ có nhiều hình thức đầu tư. Chẳng hạn như trực tiếp vào dự án bằng việc giám sát phát triển, gián tiếp bằng đầu tư tài chính thuần túy và cho vay. Nhờ sự đa dạng này nên khá nhiều công ty Việt Nam có thể tiếp cận vốn rẻ bằng hình thức vay các quỹ đầu tư.
Hoạt động vay vốn này được xem là có lợi cho đôi bên. Đối với quỹ đầu tư ngoại, cho vay tại Việt Nam khá hiệu quả vì lãi suất tiết kiệm ở ngân hàng nước ngoài rất thấp, chỉ một vài phần trăm mỗi năm, thậm chí có lúc thấp hơn. Trong khi lãi vay phổ biến tại Việt Nam hiện nay ở mức 8-10%, có thể điều chỉnh thêm nên doanh nghiệp luôn tranh thủ tiếp cận dòng vốn rẻ 5-6% từ quỹ ngoại.
Thêm vào đó, việc cho vay vốn rẻ từ quỹ đầu tư ngoại có nhiều trường hợp được thực hiện theo hình thức doanh nghiệp trả lãi trước. Các quỹ thu về dòng tiền sớm, nhờ đó giảm bớt rủi ro trong cả chu kỳ đầu tư vào dự án bất động sản.
Tuy nhiên, theo ông Trân, không phải doanh nghiệp địa ốc nào cũng dễ dàng huy động được vốn rẻ của các quỹ đầu tư ngoại. Đa phần các quỹ cũng có nhiều chuẩn mực đánh giá đối tác nên quá trình sàng lọc dự án khá chặt chẽ, thậm chí kéo dài. Các tiêu chí để đối tác nước ngoài tham gia đầu tư và cho vay gồm: quỹ đất phải sạch, có sổ đỏ, có quy hoạch 1/500, sẵn sàng xây dựng, phân khúc chiếm thị phần lớn, thanh khoản cao hoặc biên lợi nhuận từ dòng sản phẩm phải hấp dẫn...