Đại diện của FairFax vào Hội đồng Quản trị của Bảo hiểm BIC
Ngày 12/9, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024nhằm thông qua việc bầu cử thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới. Đại hội có sự tham dự của các cổ đông đại diện cho hơn 101 triệu cổ phần, chiếm 86,17% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Đại hội đồng cổ đông BIC đã thống nhất bầu ông Manjunath Prabhakar Ravindra – hiện đang đảm nhận vị trí Giám đốc vùng bộ phận Phát triển doanh nghiệp thuộc FairFax Châu Á là thành viên Hội đồng Quản trị BIC, bầu bà Phạm Mai Liên – Phó Trưởng phòng Ban Quản lý Đầu tư BIDV là thành viên Ban Kiểm soát BIC nhiệm kỳ 4/2024 – 4/2025.
ÔngManjunath Prabhakar Ravindra là đại diện được đề cử từ cổ đông lớnFairfax Asia Limited, tổ chức sở hữu 35% vốn tại BIC, còn bà Liên là đại diện được đề cử bởi BIDV, công ty mẹ sở hữu 51% vốn điều lệ của BIC.
Ông Manjunath Prabhakar Ravindra sinh năm 1971, quốc tịch Ấn Độ. Ông Ravindra đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm, từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong các công ty bảo hiểm lớn tại Châu Á như: Giám đốc Khu vực, Chiến lược mua bán và sáp nhập Công ty bảo hiểm RSA, Dubai; Giám đốc Khu vực, Chiến lược mua bán và sáp nhập Công ty bảo hiểm RSA, Singapore. Ông Ravindra hiện đang là Giám đốc Khu vực, Phát triển doanh nghiệp FairFax Asia Limited.
Bà Phạm Mai Liên sinh năm 1981, làm việc tại Ngân hàng BIDV từ năm 2005. Bà Liên hiện là Phó Trưởng phòng Ban Quản lý Đầu tư của BIDV.
Cùng ngày, Hội đồng Quản trị BIC cũng đã bầu ông Gobinath Arvind Athappan - Ủy viên Hội đồng Quản trị BIC trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIC. Ông Gobinath Arvind Athappan là thành viên Hội đồng Quản trị BIC từ ngày 29/1/2016. Hiện tại, Ông Gobinath là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của FairFax Asia Limited.
Trả lời câu hỏi về sản phẩm BIC Bình An của cổ đông CTCP Icapital tại đại hội, ông Trần Xuân Hoàng, Chủ tịch BIC, cho biết đây là sản phẩm chủ lực được BIC triển khai qua kênh Bancas trong nhiều năm và có sự tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2020 đến nay. Mức tăng trưởng bình quân trong 3 năm của sản phẩm này là khoảng 60%/năm. Điều này cho thấy kênh Bancas vẫn đóng vai trò quan trọng mang lại nguồn doanh thu cho BIC.
Đánh giá về ảnh hưởng của những thay đổi từ Luật các TCTD 2024 tới hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, ông Hoàng cho biết công ty đã báo cáo với ngân hàng mẹ (BIDV) và trao đổi với các tổ chức tín dụng đang hợp tác để đưa ra các biện pháp phối hợp triển khai nhằm tuân thủ quy định và vẫn đảm bảo kế hoạch doanh thu bảo hiểm.
Vị này cũng chia sẻ thêm về ảnh hưởng thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra là rất lớn. Theo ghi nhận đến trưa 11/9 có tổng số vụ phát sinh ghi nhận là 600 vụ, ước tính thiệt hại sơ bộ gần 210 tỷ đồng, trong đó mảng tài sản kỹ thuật 300 vụ (thiệt hại 180 tỷ), mảng xe cơ giới gần 300 vụ (ước thiệt hại 7 tỷ).
BIC đang cố gắng triển khai tất cả nguồn lực phối hợp với các chính quyền sở tại để hỗ trợ đồng hành với khách hàng và xử lý quyền lợi bảo hiểm nhanh nhất. Với khả năng tài chính ổn định, bền vững của mình, BIC dự phòng đầy đủ các khoản chi phí để kip tới tạm ứng, chi trả cho khách hàng chịu tổn thất trong sự kiện này, Chủ tịch BIC cho hay.
Trong năm 2024, BIC đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất 600 tỷ đồng, tăng 4,5% so với thực hiện năm 2023 (574 tỷ đồng). Tổng doanh thu phí bảo hiểm (theo báo cáo của công ty mẹ) dự kiến đạt 5.570 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm trước.
6 tháng đầu năm 2024, BIC ghi nhận lãi trước thuế đạt hơn 353 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện được 59% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trong tháng 10,BIC dự kiến sẽ thanh toán cổ tức tiền mặt theo tỷ lệ 15% (1 cổ phiếu nhận 1.500 đồng) vào ngày 4/10. Số tiền công ty dự kiến dùng để chia cổ tức gần 176 tỷ đồng. Ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt là 16/9.