Đại diện ADB: Cần đối thoại, chia sẻ về rủi ro và lợi ích trong PPP
Phó chủ tịch ADB Bambang Susantono (giữa) và Giám đốc Quốc gia ADB Việt Nam Eric Sidgwick (phải) tại cuộc gặp mặt báo chí sáng 8.3. (Ảnh: Tr.Sơn). |
Phát biểu tại cuộc gặp mặt báo chí sáng nay, 8.3, nhân chuyến công tác đến Việt Nam, ông Bambang Susantono, Phó chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết, nghiên cứu của ADB cho rằng sẽ cần gia tăng mức đầu tư của tư nhân vào cơ sở hạ tầng. “Những cải cách trong khu vực công là hết sức quan trọng để thu hút nhà đầu tư tư nhân như xây dựng khung pháp lý, sửa đổi các quy định, quy trình, văn bản… để các nhà đầu tư tư nhân quyết định nếu họ tin tưởng vào luật định của quốc gia nào đó... Tài chính không chỉ là điều kiện tiên quyết để quyết định môi trường đầu tư vào cơ sở hạ tầng mà còn vấn đề quản trị nữa…”, ông Bambang nói.
Đại diện ADB cũng cho biết, từ năm tới, Việt Nam sẽ dần không được dùng các nguồn vốn giá rẻ mà phải dùng các nguồn vốn có lãi suất cao hơn từ ADB cũng như Ngân hàng Thế giới (WB).
Trả lời đề nghị bình luận việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân và khuôn khổ Đối tác công - tư (PPP), Giám đốc Quốc gia ADB Eric Sidgwick cho biết, Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định liên quan đến khung pháp quy PPP. Ông Eric cho rằng cơ chế PPP cũng có những thành công ban đầu nhưng chưa nhiều lắm. Chính phủ Việt Nam đang xác định một loạt các dự án mà Chính phủ muốn xây dựng để kêu gọi đầu tư dưới hình thức PPP và trong 1 - 2 tháng tới các danh mục dự án này sẽ rõ ràng hơn.
Theo đại diện ADB, thách thức đối với cơ chế PPP cơ bản là việc chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro của một dự án nào đó. Chính phủ cần chuẩn bị thật tốt danh mục dự án PPP và không nên phức tạp hoá để tạo điều kiện cho cơ chế này dễ dàng thực hiện.
Cũng theo đại diện ADB, cần có sự trao đổi giữa Chính phủ với khu vực tư nhân liên quan đến vấn đề này. “Chính phủ cần hiểu rõ nhu cầu, yêu cầu khu vực tư nhân là như thế nào, ngược lại khu vực tư nhân cũng cần hiểu rõ động cơ và những quy trình thủ tục mà Chính phủ phải tuân thủ. Đó là cơ chế hai bên có lợi”, ông Eric nói.