|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đại biểu Quốc hội đề xuất cấm thuê trọ kết hợp kinh doanh sau vụ cháy 14 người chết

18:10 | 24/05/2024
Chia sẻ
Sau vụ cháy nhà trọ ở Hà Nội khiến 14 người thiệt mạng sáng 24/5, ông Trịnh Xuân An, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai đề xuất cấm nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh và cho thuê trọ đông người.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, ông Trịnh Xuân An, ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, vụ cháy nhà trọ ở Hà Nội khiến 14 người thiệt mạng sáng 24/5, là một sự việc hết sức bi thảm và gây hậu quả thảm khốc.

Do đó, đại biểu đề nghị phải có các giải pháp đồng bộ cả về ngắn hạn, dài hạn, kỹ thuật và mang tính bắt buộc, thì mới có thể ngăn chặn nguy cơ các vụ việc tương tự.

Về phía người dân, trách nhiệm vai trò của từng người là quan trọng trong việc luôn phải cảnh giác với nguy cơ cháy nổ. Vì vậy, công tác cảnh cảnh báo người dân cần phải làm tốt hơn nữa.

Về phía chính quyền địa phương cần có biện pháp mạnh tay hơn, nếu rà soát trên địa bàn thấy những công trình tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến tính mạng người dân thì phải dứt khoát xử lý. Trường hợp nhà không có lối thoát phải cưỡng chế, yêu cầu bỏ ngay vật cản hoặc thiết kế thêm lối thoát.

"Như trường hợp vụ cháy 14 người chết, chúng ta yêu cầu khu vực ở trên mái nhà không quây tôn kín như vậy, phải mở trống ra, nhưng thực tế ngồi nhà xảy ra cháy có mái tôn ở sân bịt kín, trong khi dưới tầng 1 là kinh doanh xe đạp điện",  ông Trịnh Xuân An nêu rõ.  

Ông Trịnh Xuân An, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai. (Nguồn: VTC).

Cũng nhấn mạnh về ý thức phòng cháy chữa cháy, bà Nguyễn Thị Việt Nga, ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, đây không phải lần đầu xảy ra vụ cháy thương tâm tại Hà Nội. Cử tri cũng đã phản ánh rất nhiều, Quốc hội cũng thảo luận rất nhiều. Tuy nhiên, nếu để rà soát một cách triệt để trên địa bàn thành phố Hà Nội, thì đây là một việc làm rất là khó khăn.

Bởi, trên thực tế khu chung cư mini mọc lên rất nhiều, nếu xử lý theo hướng tất cả các khu nhà trọ và các chung cư mini không đảm bảo tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy thì sẽ không được cho thuê trọ nữa thì nó sẽ dẫn đến hệ lụy hệ lụy.

“Đầu tiên, là tác động tiêu cực của nó đối với những chủ đầu tư, đánh vào phương tiện kinh doanh mang lại thu nhập. Tiếp theo, nếu dừng thì tất cả những người lao động có thu nhập thấp đang sinh sống trong những khu nhà trọ này sẽ đi đâu về đâu”, đại biểu nêu rõ. 

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, ĐBQH tỉnh Hải Dương. (Nguồn: VTC). 

Không thể có một phương án hay công thức chung

Cũng theo bà Việt Nga, trong những quy định về phòng cháy, chữa cháy đã gắn trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Điều quan trọng hiện nay là rà soát tích cực và có phương án đối với từng loại hình, chứ không thể có một phương án hay công thức chung.

Lấy ví dụ, với những loại hình cho thuê trọ chật hẹp nhiều tầng, nhà trọ trong ngõ sâu, không thể mở đường ngõ sâu và xe chữa cháy cũng không vào được ngõ thì phải xử lý theo hướng thứ nhất là kiểm tra kết cấu.

“Vậy thì chúng ta phải có yêu cầu nhà cho thuê ít nhất phải đảm bảo được lối thoát hiểm, để khi có tai nạn, cháy nổ xảy ra thì người ở trong nhà có thể nhanh chóng thoát hiểm. Đây không phải là phương án quá khó khăn. Thứ hai, công tác tập huấn về phòng, chống cháy nổ và công tác tập huấn về kỹ năng ứng phó khi có sự cố cháy xảy ra rất cần thiết”, bà Nga nêu rõ.

Đại biểu nêu thực tế, các công tác phòng cháy chỉ được thực hiện rốt ráo mỗi khi có một vụ cháy thương tâm nào đó xảy ra, nhưng sau đó mọi biện pháp lại bị trôi đi. Do đó, việc tổ chức tập huấn hàng năm, đặc biệt nâng cao ý thức con người rất quan trọng.

Nhiều khi người ta không nghĩ rằng những hành vi của mình lại là những hành vi bất cẩn để có thể gây tai nạn thương tâm.

"Theo thống kê, có rất nhiều vụ cháy xảy ra do sự chủ quan, do những hành vi của con người, từ việc không ngắt các thiết bị điện, hay việc cho dân cư thuê trọ ở lẫn với những loại hình kinh doanh dễ gây cháy nổ, hay sử dụng các thiết bị điện không đúng quy chuẩn", bà Nga nêu rõ. 

Còn theo ông Trịnh Xuân An, trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận về Luật phòng cháy chữa cháy (sửa đổi). Nếu cần thiết có thể thiết kế một mục riêng về phòng cháy chữa cháy với loại hình nhà ở, dựa trên nguyên tắc phù hợp với quy hoạch hạ tầng đô thị, thẩm quyền của chính quyền địa phương, cũng như nghĩa vụ của công dân. 

Riêng với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, đại biểu cho rằng cần phải có phương án, giải pháp phòng cháy và ngăn cháy như vụ cháy ở Trung Kính. Khi ngôi nhà có tới hàng chục phòng trọ và cả cơ sở sửa chữa xe đạp điện thì phải cấm loại hình kinh doanh kết hợp phòng trọ.

"Nhà mà có hàng chục người thuê trọ trở lên, hệ thống phòng cháy chữa chay không đảm bảo, thì dứt khoát phải cấm. Chúng ta không thể tạo ra rủi ro cao như vậy. ", ông An nói.

Về lâu dài, đại biểu An cho rằng, cơ quan quản lý cần tạo ra sự đồng bộ trong quy hoạch đô thị, đẩy mạnh đầu tư các dự án nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp, giảm dần câu chuyện thuê trọ tự phát như hiện nay.

"Hà Nội hiện còn rất nhiều quỹ đất có thể tận dụng xây nhà cho người thu nhập thấp thuê. Hơn thế, luật Kinh doanh bất động sản cũng đã dành cơ chế cho loại hình này. Nhưng chúng ta cần phải làm thực chất, nếu chỉ khơi ra thì sẽ có nhiều vụ giống như vụ Trung Kính", đại biểu nêu rõ.  

Ngọc Bảo