|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đại biểu đề xuất nên có ưu đãi đi kèm khi áp thuế tối thiểu toàn cầu

16:49 | 10/11/2023
Chia sẻ
Đại biểu nên lo ngại nếu các nhà đầu tư nước ngoài chỉ thấy Việt Nam tăng thu, mà không hỗ trợ trở lại, họ có thể rút vốn, chuyển bớt đầu tư sang nước khác.

Sáng 10/11, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Thảo luận tại tổ sau đó, một số đại biểu cho rằng cần thêm chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư.

Theo báo Thanh niên, ông Vũ Tuấn Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách, đồng tình việc thu bổ sung thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết. Theo tờ trình của Chính phủ, Việt Nam không thu thuế này thì các nước khác cũng thu.

Song, đi kèm với cơ chế áp thuế tối thiểu toàn cầu, cần nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ trở lại để doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư. Các chính sách này hiện chưa được Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội. 

 

Tuy nhiên đại biểu nên lo ngại nếu các nhà đầu tư nước ngoài chỉ thấy Việt Nam tăng thu, mà không hỗ trợ trở lại, họ có thể rút vốn, chuyển bớt đầu tư sang nước khác. Đại biểu cũng cho rằng việc hỗ trợ ra sao là vấn đề khó, cần nghiên cứu kỹ để giữ chân nhà đầu tư cũ thu hút vốn mới, không ảnh hưởng tới môi trường đầu tư. Lý do, việc lấy trực tiếp khoản thu thêm để hỗ trợ doanh nghiệp là không khả thi, vi phạm quy định của OECD.

 

 Đại biểu Vũ Tuấn Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: VOV).

 

 

Ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cũng cho rằng nếu thu thuế bổ sung thì cần nghiên cứu chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Dự thảo nghị quyết cần nêu thế nào để đưa ra được tín hiệu này, giao Chính phủ nghiên cứu phương án ưu đãi cụ thể. Đây là động thái để nhà đầu tư biết sẽ được hưởng thêm các chính sách khác khi áp thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo VOV, bày tỏ sự đồng tình với tờ trình của Chính phủ, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, dù Việt Nam có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp FDI như thế nào đi nữa (dưới 15%) thì các quốc gia khác cũng sẽ thu phần chênh lệch khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.   

 

Do đó, đại biểu cho rằng, cần áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu như một loại thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp. Loại thuế này cũng không mâu thuẫn với quy định về bảo hộ đầu tư và các quy định khác mà Việt Nam đã ký kết.

Tuy vậy, do thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung là khoản thuế mới và chưa được quy định trong luật, nên đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Quốc hội cần ban hành Nghị quyết này để phù hợp với chủ trương chung, tăng cường hội nhập quốc tế, hạn chế được hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Đây là thỏa thuận của các nước G7 đã đạt được vào tháng 6/2021 nhằm chống lại các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước có thuế suất thấp để tránh thuế. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất.

Theo số liệu của Tổng cục thuế, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu.            

 

Anh Đào

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.