|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đã tới lúc tính chuyện nới room ngân hàng

09:20 | 15/10/2019
Chia sẻ
Liệu có thể cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém mà trước mắt là Ngân hàng TMCP Đông Á, đây là câu hỏi được không ít người trong giới tài chính đặt ra trong dịp ngân hàng này sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường vào cuối tuần qua.
Đã tới lúc tính chuyện nới room ngân hàng - Ảnh 1.

Một số chuyên gia cho rằng phát hành cổ phần Đông Á cho nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra khả thi vì họ có tiền tươi thóc thật và họ cũng có quản trị điều hành tốt để vực dậy ngân hàng. Vấn đề là phát hành cổ phần với giá nào, còn người mua chắc sẽ tìm ra.

Trước đây, đã nhiều lần Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ chủ trương mời các đối tác tài chính ngoại vào tái cơ cấu lại những ngân hàng như Dầu khí Toàn cầu, Đại Dương, Xây dựng. Những ngân hàng này đến nay vẫn đang được các ngân hàng khỏe mạnh hỗ trợ và được hưởng cơ chế ưu đãi thông thoáng.

Trong mỗi cuộc mua bán, xét cho cùng, trước khi ngồi vào bàn đàm phán, người mua phải khảo sát thực tế các ngân hàng, còn người bán phải làm rõ những tiềm năng còn lại có thể mang lại trong tương lai để mặc cả một mức giá thuận mua vừa bán. Quan điểm của bên mua và bên bán có thể rất khác nhau khi đánh giá cùng một thứ tài sản. 

Bên bán có thể nhận định khoản vay này sẽ đòi được căn cứ vào mối quan hệ lâu năm với khách hàng, nhưng bên mua có thể đánh giá khác khi cho rằng khoản vay sẽ chỉ thu hồi được một phần, thậm chí mất trắng và phải dùng dự phòng rủi ro để xử lý. Trên bảng tổng kết tài sản của ngân hàng, góc nhìn khác nhau từ phía người mua người bán đối với tài sản đảm bảo là chuyện dễ hiểu.

Đối với các ngân hàng yếu kém, việc gọi vốn nước ngoài không giới hạn trong tỷ lệ tối đa 30% như các tổ chức tín dụng khác mà có thể nới rộng lên 51%, thậm chí 100%. Chính tỷ lệ room là một trong những điều kiện hấp dẫn nước ngoài. 

Năm 2006, khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã đàm phán kiên quyết để bảo vệ tỷ lệ room 30% cho ngân hàng. Từ đó đến nay 13 năm đã trôi qua, thị trường tài chính Việt Nam đã phát triển hơn nhiều và các tổ chức tín dụng cũng đã trở nên quy mô hơn, hỗ trợ vốn tốt hơn cho nền kinh tế và nhất là sức cạnh tranh đã gần như ngang ngửa với nhiều ngân hàng ngoại ngay trên sân nhà.

Tuy nhiên, khi lớn mạnh lên, các ngân hàng nội đang phải đối mặt với một tình thế nan giải là nâng cao vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu. Trong bối cảnh hiện nay, việc huy động vốn từ các nhà đầu tư trong nước rất khó khăn. Không ít ngân hàng cổ phần, mỗi lần tăng vốn là một lần các cổ đông hiện hữu đi vay mượn để có tiền nộp vào. Một trong những địa chỉ vay lại là chính từ các ngân hàng và do đó việc tăng vốn trở nên không thực chất.

Trong khi đó, khung pháp lý đòi hỏi các ngân hàng phải tuân thủ chặt chẽ các chỉ số tài chính, tức là hoạt động an toàn và hiệu quả hơn. Việc áp dụng chuẩn Basel II yêu cầu ngân hàng có nhiều vốn hơn. Nhà đầu tư trong nước không giàu có về năng lực tài chính thực sự để tham gia mua cổ phần, còn nhà đầu tư nước ngoài có tiền lại không còn room để đầu tư. 

Việc giới hạn một đối tác ngoại được sở hữu tối đa 20% vốn một ngân hàng cổ phần không khuyến khích họ giải ngân vốn để có quyền tham gia điều hành, quản lý, mà chỉ giới hạn ở đầu tư tài chính. Sự bó hẹp đó nhằm hạn chế nước ngoài thao túng thị trường tiền tệ trong nước.

Câu chuyện nước ngoài thao túng thị trường tiền tệ có thể là khả năng đúng vào 10-15 năm trước, còn hiện tại nó đã trở nên lỗi thời. Các ngân hàng 100% vốn nước ngoài có mặt ở Việt Nam vẫn đang “lép vế” trước các ngân hàng nội địa. Ngoài ra quản trị, điều hành, phương thức hoạt động, đối tượng khách hàng chủ yếu của họ cũng khác. Sẽ là quá lỗi thời và không còn phù hợp khi cứ giữ mãi chiếc áo room quá chật khi mà bản thân các ngân hàng Việt Nam đã ở một tầm khác về năng lực cạnh tranh.

Quay trở lại với Ngân hàng Đông Á, việc gọi vốn nước ngoài nếu không thể diễn ra trong đại hội đồng cổ đông bất thường lần này thì vẫn còn đó cơ hội mời nước ngoài tham gia sau. Càng để lâu việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém càng tốn công sức và tiền bạc của Nhà nước, của xã hội. 

Ngân sách không bỏ tiền ra để cứu tổ chức tín dụng yếu kém, nhưng Nhà nước sử dụng một cơ chế tái cơ cấu riêng cho các ngân hàng này cũng là một cách gián tiếp hỗ trợ về tiền bạc. 

Điều này đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền, an toàn hệ thống, song đồng thời nó tạo ra sự không bình đẳng trong hoạt động ngân hàng. Thay bằng sự tự tái cơ cấu trong thời gian dài, nên nới room ngân hàng, coi đây như chất xúc tác để vừa gọi vốn, vừa kích thích một môi trường hoạt động ngân hàng cạnh tranh lành mạnh.

Hải Lý