Đa số đại biểu Quốc hội không ủng hộ bỏ quy định giáng chức
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị các đại biểu nghiên cứu thêm để góp ý về quy định giáng chức. Ảnh: Ngọc Thắng.
Giữ giáng chức đã đủ nghiêm minh
Tại tờ trình gửi đến Quốc hội, Chính phủ đề nghị 2 phương án, vẫn giữ hình thức giáng chức và bỏ, tuy nhiên, Chính phủ chọn phương án 1, là bỏ giáng chức.
Về lý do đề xuất bỏ, Chính phủ cho rằng, giữ hình thức giáng chức dễ dẫn đến nể nang, “trốn” cách chức bằng giáng chức.
Hơn nữa, cũng theo Chính phủ, quy định hình thức giáng chức là không phù hợp với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm, vì giáng chức tức là bổ nhiệm vào chức vụ thấp hơn, trong khi đó, tại vị trí đó đã đủ số lượng lãnh đạo, quản lý.
Vì vậy, “để bảo đảm tính nghiêm minh, sự nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi vi phạm của công chức lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng lợi dụng quy định để xử lý kỷ luật ở mức độ nhẹ hơn”, dự thảo luật không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức.
Đại biểu Phạm Văn Hòa là người hiếm hoi đồng ý bỏ kỷ luật giáng chức Ảnh Ngọc Thắng
Tuy vậy, khi thẩm tra dự án luật này, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật lại cho rằng nên giữ hình thức giáng chức vì “cần thiết, mang tính răn đe cao và thực tế thời gian qua căn cứ vào quy định này của luật Cán bộ, công chức hình thức kỷ luật giáng chức cũng đã được áp dụng”. |
Đa phần các ý kiến thảo luận tại hội trường chiều 10.6 nhất trí với phương án này, trừ các đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) và Trần Thị Hằng (Bắc Ninh).
Đại biểu Mong Văn Tình (Nghệ An) ủng hộ việc giữ giáng chức, vì nếu bỏ hình thức này thì chỉ còn “khiển trách”, “cảnh cáo”, “hạ bậc lương”, “cách chức” và “buộc thôi việc”.
“Nếu chưa đến mức cách chức nhưng chỉ hạ bậc lương lại quá nhẹ, nhưng từ trưởng phòng vi phạm mà cách chức là phủ nhận mọi nỗ lực của công chức đó trong một quá trình dài, trong khi công chức chỉ vi phạm khi làm trưởng phòng”, đại biểu Tính nói và đề nghị chỉ giáng chức để “tận dụng chất xám” và cho công chức có cơ hội sửa sai, phấn đấu vươn lên.
Đây đồng thời cũng là quan điểm của đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) và đa số các đại biểu nêu ý kiến về vấn đề này.
Bỏ viên chức suốt đời lại sợ tiêu cực, cửa quyền
Tại buổi thảo luận, các đại biểu cũng không nhất trí với việc bỏ viên chức suốt đời.
Tại tờ trình, Chính phủ cho biết lựa chọn phương án này vì “bảo đảm bám sát yêu cầu và thể chế hóa được nội dung của nghị quyết T.Ư”, khắc phục được hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức là “vào dễ, ra khó”, tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm; đồng thời, bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng ký hợp đồng liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.
Tuy vậy, Chính phủ cũng thừa nhận phương án này “dễ tạo tâm lý không yên tâm cho số viên chức được tuyển dụng mới”.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng khi chưa kiểm soát được sự cửa quyền của người có thẩm quyền thì chưa nên bỏ viên chức suốt đời.Ảnh: Ngọc Thắng
Tại thảo luận hội trường, đa phần các đại biểu cũng không nhất trí việc cắt viên chức suốt đời. |
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng, chỉ nên ký hợp đồng xác định thời hạn với viên chức mới, và chỉ ký tối đa 2 lần, sau đó sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn.
Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ khắc phục được tình trạng xin cho, tránh tiêu cực khi ký lại hợp đồng, tránh thủ tục ký lại mất thời gian, tốn kém.
“Khi cơ chế phát hiện tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát cửa quyền của người có thẩm quyền ký hợp đồng chưa được quy định chặt chẽ thì không nên sửa đổi theo phương án 1 (bỏ hợp đồng không xác định thời hạn - phóng viên)”, đại biểu nhấn mạnh.
Cũng cần phải nói thêm là cơ chế sử dụng nhân tài cũng còn rất "mờ ảo" trong dự luật này.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/