'Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc có thể yếu hơn trong nửa cuối năm'
Theo ông Michael Spencer, nhà kinh tế trưởng và là người phụ trách nghiên cứu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Deutsche Bank, đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc có thể yếu hơn trong nửa cuối năm 2020, sau khi nền kinh tế nước này bứt lên mạnh mẽ từ các mức thấp hồi đầu năm.
Ông Spencer đánh giá Trung Quốc rõ ràng đã nhanh chóng thoát khỏi đại dịch COVID-19. Tất cả các số liệu kể từ giữa tháng Hai gần như là đủ để cho thấy đà phục hồi theo hình chữ V, nhưng triển vọng sắp tới kém rõ ràng hơn.
Nhà kinh tế trưởng của Deutsche Bank cho rằng tốc độ tăng trưởng nhu cầu trong nước tại Trung Quốc nhìn chung đã phục hồi nhưng đà tăng trưởng này có thể chậm lại.
Theo ông Spencer, đại dịch đã tác động trước hết đến hoạt động tiêu dùng, khi người dân bị phong tỏa hoặc chọn việc ở trong nhà.
Nếu nhìn vào các số liệu của Trung Quốc, trừ số liệu về các rạp chiếu phim hiện vẫn đóng cửa và các nhà hàng, nơi mà người dân vẫn e ngại khi đến các nhà hàng lớn, doanh số bán lẻ hàng hóa tính đến tháng Năm gần như đã phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch, sau khi đã được điều chỉnh theo mùa. Do nhu cầu trong nước phục hồi, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại.
Tổng sản phầm quốc nội (GDP) của phần còn lại của thế giới giảm ở tốc độ hai con số có thể tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc trong quý tới.
Doanh số bán thiết bị y tế có đóng góp rất lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của nước này trong những tháng qua, nhưng đóng góp đó có thể giảm dần.
Trong khi đó, hiện có dấu hiệu cho thấy xuất khẩu thiết bị điện tử của Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm hơn trong vài tháng tới.
Các số liệu được công bố gần đây cho thấy kinh tế Trung Quốc đang phục hồi.
Trong tháng Sáu, chỉ số nhà quản lý mua hàng của lĩnh vực chế tạo cả chính thức và cả theo khảo sát của Caixin/Markit đều ghi nhận sự tăng trưởng so với tháng Năm.