|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đà Nẵng 'xin' nâng mức dư nợ vay lên 60% số thu ngân sách

22:00 | 03/01/2020
Chia sẻ
Thành phố Đà Nẵng kiến nghị được vay thông qua nhiều hình thức với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp thay vì 40% như hiện nay.
Đà Nẵng 'xin' nâng mức dư nợ vay lên 60% số thu ngân sách - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng ngày 3-1-2020. Ông cho rằng HĐND cấp quận, huyện không phát huy tác dụng. Người dân có thể trực tiếp ý kiến lên HĐND thành phố. Ảnh: Nhân Tâm

Những hình thức vay này bao gồm thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, quỹ dự trữ cấp tỉnh, các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về thành phố cho vay lại.

Đây là một nội dung trong Phụ lục 2 liên quan đến phân cấp phân quyền trong dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng được bàn luận tại hội thảo lấy ý kiến diễn ra hôm nay, ngày 3-1-2020.

Đã có những ý kiến xung quanh đề xuất này.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: “Đà Nẵng nên xem lại nguồn lực của mình như thế nào trước khi trình xin tăng cho vay từ 40% hiện nay lên 60%. Ít nhất trong đề án, thành phố phải cho thấy lý do để tăng mức vay này”. Ông Đông chia sẻ thêm so với các địa phương như Hà Nội và TPHCM, quy mô nền kinh tế của Đà Nẵng vẫn còn nhỏ, dư địa phát triển còn nhiều và không gian phát triển kinh tế vẫn còn lớn nên cần phát huy thêm nguồn lực.

Trong khi đó, ông Đào Xuân Tuế, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) ủng hộ thành phố tăng tổng mức dư nợ vay lên 60% trong tổng số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp (là 68% trong giai đoạn 2021-2025) để tạo cơ sở cho sự phát triển. Nhưng ông Tuế cũng đồng quan điểm là Đà Nẵng cần đưa những ví dụ thực tiễn để thuyết phục Quốc hội thông qua (dự kiến tháng 5-2020).

Liên quan đến những nội dung trong Phụ Lục 2 này, ông Tuế cũng cho biết thêm ông khuyến nghị Đà Nẵng không đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, phụ cấp (sau khi trừ đi các khoản phải trích nộp theo quy định của pháp luật) và thu nhập từ kinh doan phát sinh. Đề xuất này chỉ dành nhà quản lý, chuyên gia, người lao động (kể cả người Việt Nam và nước ngoài) trong Khu công nghệ thông tin tập trung, Khu công nghệ cao trong vòng 5 năm, nhưng không quá năm 2025.

Được biết, tính đến 21 giờ ngày 31-12-2019, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Đà Nẵng là trên 27.700 tỉ đồng, theo Kho bạc Nhà nước tại Đà Nẵng. Trong đó, thu nội địa đạt gần 23.600 tỉ đồng, vượt 4% dự toán; thu ngân sách 7 quận, huyện đều đạt và vượt 1-5% dự toán thành phố giao. Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Thống kê Đà Nẵng tổng thu ngân sách Nhà nước sơ bộ năm 2019 của Đà Nẵng là 28.170 tỉ đồng, trong đó thu nội địa là 24.420 tỉ đồng.

Chính quyền đô thị đồng nghĩa không có HĐND cấp quận?

Trong dự thảo Đề án, có 2 phương án về thí điểm tổ chức chính quyền tại thành phố Đà Nẵng. Với phương án 1, chỉ có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) cấp thành phố. Các cấp quận, huyện, phường, xã chỉ còn UBND. Với phương án 2, quận, huyện và xã vẫn đảm bảo có HĐND và UBND trong khi phường chỉ còn UBND (giống mô hình thí điểm tại Hà Nội).

Tại hội thảo, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng như đại diện các bộ và chuyên gia đều nghiêng về phương án 1. Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, thậm chí đề xuất bỏ phương án 2. "Nếu bắt buộc phải có hai phương án lựa chọn thì thêm phương án chỉ bỏ HĐND ở cấp trung gian là quận, huyện", ông đề xuất.

Nhân Tâm