|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đà Nẵng: Thu hồi đất trống trong khu công nghiệp

19:56 | 04/07/2017
Chia sẻ
Qua khảo sát, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Đà Nẵng vẫn còn hàng trăm ha đất trống nhưng không ít doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu thuê đất tại KCN để mở rộng sản xuất, kinh doanh lại không thể tiếp cận được. Sau khi UBND thành phố có chỉ đạo về việc rà soát, thu hồi quỹ đất không phát huy hiệu quả để bố trí cho các doanh nghiệp có nhu cầu, một số diện tích đất trống đã “lòi” ra.
thu hoi dat trong trong khu cong nghiep
Với những doanh nghiệp “giữ đất” không hoạt động sản xuất-kinh doanh sẽ bị thu hồi để bố trí cho các doanh nghiệp đủ điều kiện thuê lại.

Doanh nghiệp nhỏ có “cửa” vào khu công nghiệp?

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện 6 KCN của thành phố vẫn còn hàng trăm ha đất trống để cỏ mọc um tùm. Diện tích đất bỏ hoang còn nhiều nhất phải kể đến KCN Liên Chiểu với gần 60 ha và KCN Hòa Khánh mở rộng với gần 30 ha. Trong khi đó, không ít DN có quy mô nhỏ đang hoạt động tại các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường với nước thải, tiếng ồn... có nhu cầu thuê đất thực sự để di chuyển nơi sản xuất ra khỏi khu dân cư lại rất khó tiếp cận đất trong KCN.

Giám đốc một DN (xin không nêu tên) cho biết: “Khi công ty mới thành lập, chúng tôi đến từng KCN trên địa bàn để thuê mặt bằng khoảng hơn 1.000m2 làm cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, điều kiện quy định là phải thuê tối thiểu từ 3.000 - 5.000m2 trở lên mới được cấp đất. Như vậy, số tiền thuê đất ban đầu quá lớn, trong khi nhu cầu không cần thiết nên chúng tôi đành phải thuê lại của một DN khác còn đất trống trong KCN Hòa Cầm”.

Ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Công ty TNHH Chuyển giao công nghệ K&H cũng bày tỏ, sau khi trụ sở và nơi sản xuất của DN ông bị giải tỏa để làm dự án nút giao thông ngã ba Huế, ông đến “gõ cửa” nhiều ban, ngành để thuê đất nhưng chờ hoài chẳng thấy hồi âm. Cuối cùng công ty phải tự thân vận động đi thuê đất ở bên ngoài để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

May mắn hơn 2 DN nói trên, mới đây, hàng chục DN đã có mặt bằng sản xuất tại các KCN, sau khi được Ban quản lý Các KCN & chế xuất Đà Nẵng (gọi tắt là BQL) hỗ trợ làm thủ tục chuyển nhượng ở một số dự án ngưng hoạt động tại các KCN. Điển hình như Công ty TNHH Lý Nam Dương đã có mặt bằng sản xuất 2.000m2 tại KCN Hòa Khánh sau khi được BQL hỗ trợ làm thủ tục chuyển nhượng từ một cơ sở sản xuất chế biến lương thực và thực phẩm…

Đề cập giải pháp hỗ trợ DNVVN về mặt bằng sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng cho rằng: “Mặc dù thành phố đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo các đơn vị chức năng hỗ trợ DNNVV tiếp cận thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh, nhưng thực tế những đề xuất của DNVVN được thuê đất tại KCN hoặc đất ngoài KCN còn vướng nhiều thủ tục và khó có thể tiếp cận ngay”.

Cũng theo ông Lý, hiện DNNVV chiếm hơn 90% số lượng DN trên địa bàn thành phố nhưng đối tượng này chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là mặt bằng sản xuất, kinh doanh. “Mới đây, UBND thành phố đã tiếp xúc với nhiều DN thông qua các buổi đối thoại. Qua đó, các DN có cơ hội phản ánh thực trạng về mặt bằng. Nhưng hiện nay, yêu cầu của thành phố cũng như chủ đầu tư các KCN là phải thuê diện tích lớn, đóng tiền một lần trong 50 năm... Vì thế, DNVVN rất khó đáp ứng được. Hiệp hội cũng đã kiến nghị thành phố sớm triển khai các cụm công nghiệp vừa và nhỏ để giải quyết mặt bằng cho các DN có nhu cầu thuê diện tích đất nhỏ”, ông Lý cho biết.

thu hoi dat trong trong khu cong nghiep
Tiếp tục rà soát, thu hồi đất trốngSau khi rà soát lại, Khu công nghiệp Hòa Khánh vẫn còn một số khu đất trống.

Theo BQL, hiện có 6 KCN hoạt động trên địa bàn thành phố gồm: KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở rộng; KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Cầm, KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và KCN Đà Nẵng còn khoảng hơn 100 ha đất trống để cho DN thuê. Tuy nhiên, DN nhỏ khó có thể tiếp cận đất ở các KCN để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Giải thích về vấn đề này, ông Võ Ngọc Hiên, Trưởng phòng Đầu tư BQL cho hay, dù các KCN còn đất trống nhưng các DNNVV thường thuê diện tích nhỏ, không đúng với việc sử dụng hạ tầng nên BQL không thể đáp ứng được nguyện vọng của DN. Bên cạnh đó, có KCN do các DN làm chủ đầu tư còn yêu cầu ngành nghề sản xuất, kinh doanh nên DNNVV khó đáp ứng.

Ông Phạm Việt Hùng, Trưởng BQL cho biết, thời gian qua, cùng với công tác đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn, BQL cũng tăng cường công tác kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng đất và cho thuê nhà xưởng của các nhà đầu tư thực hiện dự án trong KCN; đồng thời trực tiếp làm việc với các DN có nhu cầu thuê lại đất tại các KCN để sản xuất, kinh doanh và mở rộng dự án.

Đối với một số DN xin thuê đất để đầu tư kho bãi với quy mô, diện tích thuê nhỏ (từ 500 - 1.000m2), BQL đã giới thiệu đến các đơn vị có chức năng cho thuê lại nhà xưởng tại các KCN. Cũng theo ông Hùng, từ năm 2014 đến hết tháng 6-2017, BQL đã đề xuất với thành phố thu hồi toàn bộ hoặc một phần đối với 96 dự án hoạt động tại 6 KCN trên địa bàn, với tổng diện tích đất thu hồi trên 600.000m2 và diện tích đất thu hồi đã được bố trí, chuyển nhượng cho các DN có đủ điều kiện kinh doanh phù hợp với yêu cầu cũng như quy định của thành phố. Đây là tín hiệu vui cho những DN đang “khát” mặt bằng.

Tính đến giữa tháng 6-2017, có 451 dự án đăng ký đầu tư tại 6 KCN, vốn đầu tư đăng ký 1,76 tỷ USD. Tổng diện tích đã cho thuê 669,22 ha, tỷ lệ lấp đầy chiếm 86,01%, hiện còn 108,89 ha đất có thể cho thuê.

- Ban quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng

Duyên Anh