|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đà Nẵng: Thi công các dự án trọng điểm xuyên kỳ nghỉ lễ Quốc khánh

14:23 | 04/09/2023
Chia sẻ
Tại các công trình trọng điểm đang chậm tiến độ ở Đà Nẵng, các ban quản lý dự án, nhà thầu thi công đã đề ra nhiều giải pháp, khẩn trương phối hợp để đẩy nhanh tiến độ về đích.

Phương tiện, máy móc triển khai thi công dự án Đường Vành đai phía Tây thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN).

Xuyên suốt kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh, các công trình, dự án động lực trọng điểm của thành phố Đà Nẵng vẫn đang được khẩn trương thi công, xây dựng.

Nhất là tại các công trình trọng điểm đang chậm tiến độ, các ban quản lý dự án, nhà thầu thi công đã đề ra nhiều giải pháp, khẩn trương phối hợp để đẩy nhanh tiến độ về đích.

Gỡ khó cho các công trình

Dự án Đường Vành đai phía Tây thành phố Đà Nẵng đã trễ hẹn hơn 2 năm nay, kế hoạch ban đầu là hoàn thành trong tháng 10/2020 nhưng đến nay vẫn còn ngổn ngang xây dựng.

Đây là dự án trọng điểm của thành phố, có chiều dài tuyến hơn 19km, quy mô đầu tư hơn 1.134 tỷ đồng, do Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư, liên danh nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco 1) và Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn thi công.

Sau nhiều năm gặp khó khăn do giải phóng mặt bằng, thi công trong dịch bệnh COVID-19, nhà thầu Cienco 1 không còn đủ năng lực và đã bị loại khỏi dự án. Hiện nay Ban quản lý dự án cùng nhà thầu Trường Sơn đang thực hiện nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công.

Từ tháng 8/2023, cứ đều đặn 3 lần/tuần, ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Đà Nẵng lại kiểm tra thực tế công trường và họp giao ban cùng các nhà thầu để tháo gỡ khó khăn, các vấn đề phát sinh khi thi công dự án.

Theo ông Nguyễn Minh Huy, sau khi nhận bàn giao khối lượng công việc còn lại từ Cienco 1, nhà thầu Trường Sơn đang tập trung nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các hạng mục còn lại của dự án.

Đến nay, sau nhiều năm thi công chậm trễ, dự án đã bắt đầu có sự chuyển biến tích cực, các đoạn đường đang được khớp nối. Nhờ triển khai nhiều mũi thi công mới trên toàn tuyến, tuyến đường đang dần hình thành và nỗ lực trải thảm nhựa trong năm nay.

Còn tại các dự án Trung tâm Ghép tạng, Cấy ghép Tế bào Gốc và Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh (Bệnh viện Đa khoa thành phố Đà Nẵng) cũng đã cơ bản hoàn thành phần xây lắp.

Đây là 2 dự án quan trọng của ngành y tế thành phố Đà Nẵng, do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Hai dự án có tổng quy mô đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, hơn 800 giường bệnh với nhiều trang thiết bị y tế hiện đại đang khẩn trương hoàn thiện các bước cuối cùng để đưa vào sử dụng.

Ông Mai Thanh Hải, Trưởng tư vấn giám sát của Dự án Trung tâm Ghép tạng, Cấy ghép Tế bào Gốc, cho biết công trình nằm ở trung tâm thành phố với quy mô 2 tầng hầm, 11 tầng nổi và 1 tầng kỹ thuật.

Đây là công trình đầu tiên của Đà Nẵng cũng như của miền Trung chuyên về lĩnh vực cấy ghép tế bào gốc, nên trong quá trình xây dựng thì đơn vị đã tham khảo rất nhiều ý kiến để có sản phẩm tốt phục vụ bệnh nhân. Hiện công trình đã cơ bản hoàn thiện phần xây lắp, đang chờ cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Đẩy nhanh giải ngân vốn theo kế hoạch

Năm 2023, thành phố Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn trên 7.947 tỷ đồng; bổ sung kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là gần 289 tỷ đồng.

Dự án Đường Vành đai phía Tây thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN).

Như vậy, tổng kế hoạch vốn năm 2023 của Đà Nẵng là trên 8.236 tỷ đồng. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng, đến hết tháng 8/2023, giải ngân vốn dự toán giao năm 2023 toàn thành phố Đà Nẵng đạt khoảng 2.100 tỷ đồng, bằng 26,4% kế hoạch được giao (thấp hơn so với cùng kỳ, năm 2022 đạt 2.540 tỷ đồng, bằng 34,3% kế hoạch).

Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng thông tin để phấn đấu đạt 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, thành phố Đà Nẵng yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án lập kế hoạch chi tiết, giám sát tiến độ triển khai và báo cáo định kỳ để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi tổ chức thực hiện dự án.

Các địa phương, đơn vị bảo đảm nâng cao tỷ lệ giải ngân trong những tháng cuối năm 2023, phấn đấu theo kịp kế hoạch đã đề ra, đến ngày 31/12 đạt 80% và đến ngày 31/1/2024 đạt 100% kế hoạch.

Các chủ đầu tư tăng cường phối hợp với Ban giải phóng mặt bằng các quận, huyện tập trung đẩy nhanh đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành, bảo đảm bàn giao mặt bằng phù hợp với tiến độ thi công của nhà thầu.

Đồng thời, các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng không vướng mặt bằng, đền bù giải tỏa; có kế hoạch chi tiết, phân công theo dõi, giám sát, đôn đốc nhà thầu tăng cường nhân lực, máy móc, thiết bị, tổ chức tăng ca thi công các công trình.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, từ nay đến hết nhiệm kỳ 2020-2025, các cấp ủy Đảng, sở, ngành, địa phương cần nỗ lực thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, biện pháp giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy. 

Các địa phương, đơn vị cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh trình tự thủ tục, triển khai các dự án động lực, trọng điểm, quy mô lớn, gắn với cam kết trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trong số đó, xác định rõ lộ trình, trách nhiệm, tiến độ thời gian tại từng cơ quan, địa phương, đơn vị, đảm bảo hoàn thành kế hoạch hằng năm và cả nhiệm kỳ. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Năm 2023, thành phố Đà Nẵng tiếp tục phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác, vận hành đối với 38 công trình và khởi công 27 công trình theo kế hoạch đã đề ra.

Quốc Dũng