|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đà Nẵng suy giảm kinh tế

07:57 | 04/07/2019
Chia sẻ
Những ngày vừa qua, số liệu phát đi của Cục Thống kê Thành phố Đà Nẵng cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố Đà Nẵng chỉ đạt 6,21%, xếp thứ 3 trong khối 5 tỉnh trọng điểm miền Trung, đã gây ra nhiều nhiều chú ý cho người dân lẫn giới đầu tư.
Đà Nẵng suy giảm kinh tế - Ảnh 1.

Công ty CP Hòn Ngọc Á Châu cho rằng việc Đà Nẵng thu hồi đất gây tổn thất cho chủ đầu tư

 Trong khi đó, tại hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 17 về tình hình công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019 diễn ra ngày 3/7 cũng chỉ ra nhiều vấn đề mang tính cảnh báo liên quan đến suy giảm kinh tế.

Số liệu của Cục Thống kê Thành phố Đà Nẵng vào đầu tháng 7 cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố Đà Nẵng chỉ đạt 6,21%, xếp thứ 3 trong khối 5 tỉnh trọng điểm miền Trung. Với tốc độ tăng 6,21%, Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cùng xếp vị trí thứ 3 trong khối 5 tỉnh, Thành phố trọng điểm miền Trung, thấp hơn mức tăng trưởng của Thừa Thiên - Huế và Bình Định. So với cùng kỳ năm 2018, thứ tự xếp hạng lần lượt: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định, Thừa Thiên- Huế và Quảng Nam.

So với khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương, 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Đà Nẵng từ vị trí thứ 3 cùng kỳ năm trước trở thành địa phương có mức tăng thấp nhất trong khối.

Minh chứng trên được phản ánh qua quy mô nền kinh tế 6 tháng năm 2019 Đà Nẵng đạt 50.758 tỷ đồng, trong đó nông lâm nghiệp chiếm 1,85%; khu vực dịch vụ chiếm 61,4%... đặc biệt là ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 25,58% (mức tăng thấp kỷ lục trong 6 tháng đầu năm giai đoạn 2016-2019) và có một số ngành giảm mạnh ở mức âm 16,9% (như khai khoáng).

Thông tin này cũng được Thành ủy Đà Nẵng báo cáo tại hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 17 diễn ra ngày 3/7 và cho rằng thông tin trên là “những hạn chế mang tính cảnh báo”. Ngoài ra, theo báo cáo của Thành ủy Đà Nẵng, hiện một số doanh nghiệp quy mô lớn, tỉ lệ đóng góp cao chững lại trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, quản trị hành chính công tụt giảm so với các năm trước. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo Kết luận số 2852 của Thanh tra Chính phủ, việc triển khai thực hiện Thông báo số 331 của Ban Thường vụ Thành ủy còn kéo dài, hiệu quả chưa cao.

Số liệu thống kê trên không nằm ngoài cảnh báo đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nêu ra trong cuộc họp thường kỳ tháng 6/2019 vừa qua. Ông Thơ cho biết, tình hình tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2019 của Đà Nẵng không mấy khả quan. Trong khi đó, nghị quyết Hội đồng nhân dân Thành phố đề ra con số tăng trưởng 8,86% GRDP trong 2019, điều này khiến lãnh đạo thành phố lo lắng… một số lĩnh vực thu ngân sách còn chậm, thậm chí thất thu.

Vì vậy, các sở, ngành, địa phương cần phải tập trung rà soát, thực hiện tốt các giải pháp tăng thu ngân sách gắn với nuôi dưỡng nguồn thu; phấn đấu thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, các ngành cần tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp chống thất thu thuế đối với một số lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thất thu thuế trên địa bàn thành phố.

Ông Thơ dẫn chứng chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố chỉ tăng hơn 5% so với cùng kỳ là 8%, sự sụt giảm nhìn thấy rõ trên lĩnh vực sản xuất kim loại như sắt thép, điện, điện tử, dệt may, bia… những ngành công nghiệp chủ lực của thành phố. Chỉ số sử dụng lao động cũng sụt giảm theo…

Ngoài ra, từ báo cáo thống kê cho thấy, tổng thu ngân sách của Thành phố Đà Nẵng tính đến ngày 18/6 chỉ đạt 11.065 tỷ đồng, nhưng tổng chi 6 tháng đầu năm 2019 đã lên đến con số 11 ngàn tỷ đổng, tăng 21,55% so với cùng kỳ. Hiện nay ngành sản xuất công nghiệp của Thành phố tăng trưởng rất thấp (5,68%) kéo theo hàng loạt các chỉ số tiêu thụ, tồn kho, xuất nhập khẩu, lao động giảm theo… đang được xem là một trong những nguyên nhân khiến việc thu ngân sách của Thành phố giảm mạnh.

Cũng trong báo cáo của Thành ủy Đà Nẵng, cho biết, hiện có 3 doanh nghiệp khởi kiện chính quyền Thành phố liên quan đến vấn đề quy hoạch, đất đai gồm Công ty thép Dana - Ý, Công ty Vipico và chủ đầu tư dự án Hòn Ngọc Á Châu.

Theo tìm hiểu, tháng 7/2017 Vipico đã tham gia đấu giá trúng khu đất A20 đường Võ Văn Kiệt, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà với giá 652 tỉ. Ngày 12/10/2017, Cục Thuế Thành phố Đà Nẵng thông báo thời hạn công ty phải nộp 50% số tiền sử dụng đất trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký thông báo. Trong vòng 60 ngày tiếp theo người sử dụng đất phải nộp 50% số tiền còn lại.

Vipico chỉ nộp 50% số tiền đúng thời hạn. Đến ngày 9/2/2018, Vipico mới nộp đủ số tiền sử dụng đất và tiền thuê đất còn lại vào ngân sách, chậm 52 ngày. Tháng 10/2018, trên cơ sở kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban nhân dân Đà Nẵng thống nhất hủy kết quả đấu giá lô đất nói trên và thu tiền đặt cọc nộp ngân sách, trả lại phần tiền sử dụng đất cùng tiền thuê đất đã nộp của Vipico. Vipico cho rằng theo quy định, công ty chỉ phải nộp phạt cho số tiền chậm nộp chứ không thể bị hủy kết quả đấu giá. Do đó Vipico khởi kiện vụ việc ra tòa.

Vụ thứ hai, Công ty CP Hòn Ngọc Á Châu khởi kiện vì Thành phố Đà Nẵng có quyết định điều chỉnh quy hoạch, thu hồi đất tại Dự án Khu du lịch Hòn Ngọc Á Châu (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) mà công ty này đã được giao đất và cho thuê đất.

Sau gần 10 năm giao đất và cho thuê đất nhưng công ty không triển khai dự án, cuối năm 2018 Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng có quyết định thu hồi 8,5 ha phê duyệt quy hoạch xây dựng công viên công cộng phục vụ cộng đồng. Công ty CP Hòn Ngọc Á Châu cho rằng thu hồi đất như trên sẽ gây tổn thất nghiêm trọng cho chủ đầu tư.

Vụ thứ ba, Công ty thép Dana Ý khởi kiện vì cho rằng quyết định của Ủy ban nhan dân Thành phố Đà Nẵng buộc công ty ngừng hoạt động sản xuất đã xâm phạm quyền tự do kinh doanh, gây thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động của công ty. Trong đơn khởi kiện, doanh nghiệp này yêu cầu Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng bồi thường gần 400 tỉ đồng thiệt hại do các quyết định, hành vi hành chính gây ra.

Vũ Vân Anh