Đà Nẵng sẽ có cảng Liên Chiểu hơn 32.800 tỷ đồng, cảng Tiên Sa chuyển sang phục vụ du lịch
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có cuộc chủ trì làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng tại trụ sở Chính phủ để nghe báo cáo về vấn đề đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu.
Dự án cảng Liên Chiểu có quy mô 220 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2022) có tổng mức đầu tư hơn 7.370 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, Đà Nẵng là đầu mối vận tải biển của các tỉnh miền Trung, hầu hết hàng hóa xuất nhập khẩu dạng container của các tỉnh miền Trung đều được đưa về cảng Đà Nẵng. Cảng Đà Nẵng hiện tại bao gồm 2 khu bến chính là Tiên Sa và Sơn Trà (Thọ Quang).
Dự án cảng Liên Chiểu có quy mô 220 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Ảnh phối cảnh dự án Cảng Liên Chiểu. |
Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng lượng hàng của cảng Đà Nẵng đạt 16,2%/năm (22,6%/năm với hàng container) và dự báo sẽ đạt khoảng 10 triệu tấn vào năm 2020, khoảng 30 triệu tấn vào năm 2030.
Đến năm 2018, sản lượng hàng qua cảng Đà Nẵng ước đạt 8,4 triệu tấn. Lượng hàng này sẽ vượt mức năng lực của khu bến Tiên Sa, Sơn Trà (Thọ Quang) sau năm 2020 và đặc biệt là vượt qua khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông kết nối cảng đi qua nội đô Đà Nẵng, gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng tới môi trường, tác động tiêu cực đến môi trường du lịch và đời sống nhân dân trên địa bàn.
Từ thực tế trên, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng, cần khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu. Đây là vấn đề rất cấp bách để sớm chuyển đổi công năng Cảng Tiên Sa thành cảng du lịch, theo đó cảng Tiên Sa chỉ tiếp nhận các tàu 5 sao, cỡ lớn đến tham quan Thành phố.
Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng nhất trí cho rằng đây là vấn đề cấp bách, cần thiết bởi thời gian, số lượng ô tô vận chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa đi qua nội thành quá lớn, làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, gây ùn tắc. Cảng Tiên Sa có sóng giao thoa lớn, đặc biệt là mực nước thấp nên tàu lớn không vào được. Do đó, vai trò của cảng này đối với thành phố động lực của khu vực không thể phát huy được.
Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan và TP. Đà Nẵng có văn bản báo cáo, làm rõ, thống nhất về vấn đề chủ đầu tư dự án và một số thủ tục liên quan khi mà dự án có quy mô hơn 32.000 tỷ đồng nhưng hợp phần mà vốn Nhà nước đầu tư (đê chắn sóng, nạo vét, không phát sinh lợi nhuận) vào khoảng 3.000 tỷ đồng.
"Công tác quy hoạch dự án phải làm bài bản, cập nhật thông tin mới nhất về phát triển cảng trên thế giới, tránh tư duy lạc hậu như việc chia các bến cảng quá nhỏ, khiến tàu lớn không thể cập cảng, mỗi cảng có các chủ đầu tư khác nhau", Thủ tướng chỉ đạo.