Đà Nẵng đặt mục tiêu thu hút ít nhất 10 dự án Công nghệ cao đến năm 2020
Thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ thu hút ít nhất 10 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao. (Ảnh: Công thông tin điện tử Đà Nẵng) |
Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ thu hút ít nhất 10 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao (CNC), trong đó có ít nhất một dự án lớn của một công ty đa quốc gia về lĩnh vực CNC; có từ 2 - 3 doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) đến đầu tư, hoạt động trên địa bàn.
Hiện thành phố có 6 Khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 86% với tổng số 446 dự án đầu tư; có 7 dự án thuộc Khu CNC với tổng vốn đầu tư 157,6 triệu USD; ngoài ra còn có Khu CNTT Đà Nẵng, Khu CNTT tập trung số 2 hiện đã hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng và lập phương án kỹ thuật thi công...
Về Cụm công nghiệp, Đà Nẵng có Cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng với diện tích quy hoạch hơn 29 ha, gồm 13 doanh nghiệp đang hoạt động trong các ngành sản xuất thép xây dựng, sản xuất bê tông, cơ khí... Cụm Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước tập trung gần 300 cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ và Cụm Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn (7,56 ha) gồm các cơ sở làm nghề đá chẻ của huyện Hòa Vang.
Các KCN đã thu hút dòng vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố theo hướng công nghiệp và dịch vụ.
Trong nội bộ ngành công nghiệp cũng có sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp sạch, có hàm lượng cao về kỹ thuật - công nghệ. Tổng vốn đầu tư thu hút vào ngành công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 tuy chỉ chiếm khoảng 16,8% vốn đầu tư phát triển toàn thành phố, nhưng đã tạo ra giá trị tăng thêm chiếm gần 27% GRDP (Tổng sản phẩm bình quân đầu người) toàn thành phố.
Đà Nẵng hiện có 6 KCN đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 86%; có 7 dự án thuộc Khu CNC với tổng vốn đầu tư 157,6 triệu USD; ngoài ra còn có Khu CNTT Đà Nẵng, Khu CNTT tập trung số 2 đang hoàn chỉnh quy hoạch... |
Tuy nhiên, Cổng thông tin cũng dẫn lời bà Nguyễn Thị Thuý Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố về những hạn chế của hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp mới ổn định chứ chưa có đột phá do chưa thu hút được các dự án có quy mô nhỏ, sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Phần lớn các dự án FDI vẫn là gia công, lắp ráp, sử dụng nhiều lao động phổ thông. Vì vậy, tác động trong chuyển giao công nghệ nguồn chưa cao, khả năng kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.
Do hạn chế về nguồn vốn, việc triển khai Khu CNC và Khu CNTT tập trung còn chậm; tỷ lệ các dự án hoạt động không hiệu quả trong các KCN còn lớn. Trong khi, nhiều doanh nghiệp ngoài KCN có nhu cầu thuê đất để mở rộng sản xuất nhưng không được thuê hoặc phải thuê lại đất của các doanh nghiệp khác với giá cao.
Ngoài ra, việc triển khai quy hoạch KCN không đồng bộ và chưa đảm bảo quy định về KCN, nhất là vấn đề bảo vệ môi trường. Các KCN quá gần khu dân cư, thậm chí xen lẫn trong khu dân cư, ranh giới không rõ ràng khi có đến 5/6 KCN không có hàng rào phân cách với vùng lân cận. Các khu, cụm công nghiệp gần như đã lấp đầy, trong khi các khu, cụm công nghiệp mới đang thành lập, dẫn đến thiếu mặt bằng sản xuất…