Đà Nẵng bị áp lực việc bồi thường cho các dự án trên Sơn Trà
Quan điểm: đi tìm sự cân bằng
Phát biểu của ông Thơ được ghi nhận tại buổi họp báo 6 tháng đầu năm của UBND TP.Đà Nẵng. Vấn đề mà giới báo chí quan tâm nhiều nhất vẫn là bán đảo Sơn Trà.
Theo ông Thơ, việc rà soát lại quy hoạch bán đảo Sơn Trà được chính quyền này chủ động đề xuất ‘chứ không phải sau khi báo chí, dư luận lên tiếng mới nói’.
“Quan điểm của TP.Đà Nẵng là phải đi tìm một sự cân bằng hợp lý và tích cực giữa bảo tồn những giá trị sinh thái, rừng đặc dụng, môi trường cảnh quan thiên nhiên hòa nhất với việc khai thác và phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Giống như phương trình, một bên là phát triển kinh tế và một bên là bảo tồn, chúng ta đi tìm sao cho phù hợp”.
Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. |
“Hiện nay dư luận có nhiều luồng ý kiến. Thứ nhất là giữ nguyên hiện trạng hiện nay. Chúng tôi cũng chưa biết (những người có) quan điểm giữ nguyên hiện trạng hiện nay là như thế nào. Hiện nay, ngoài InterContinental Danang Sun Peninsula Rẻot, còn có một số công trình họ đang xây dở dang, làm đường sá, xây dựng một số biệt thự, trồng cây… thì không biết quan điểm giữ nguyên là thế nào, hay là tiếp tục cho xây hoàn chỉnh”.
“Một quan điểm thứ 2 là tối đa hóa bảo tồn và giảm tối thiểu phát triển. Quan điểm thứ 3 là cân bằng cho phù hợp”.
“Tuy nhiên, thưc trạng hiện nay trên bán đảo Sơn Trà cũng là một yếu tố chúng ta cần xem xét; trong đó có 25 dự án, một số đã, đang triển khai (có 18 dự án phát triển du lịch) với diện tích đất (bao gồm đất giao, đất thuê, đất giao để quản lý) khoảng 1.400 ha. Trong đó, đất giao là khoảng 77 ha; đất thuê 800 ha, giao quản lý trồng phát triển rừng hơn 500 ha”.
“Hầu hết các dự án này đều hoàn thành thủ tục về đất đai. Về đất giao người ta đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, họ đã đóng tiền và lấy sổ đỏ 5-7 năm trước. Đất thuê họ cũng đã đóng đầy đủ rồi. Riêng đất giao để quản lý trồng rừng thì đó là của TP chứ ko phải của họ. Một số dự án đã triển khai, một số đang triển khai và chưa triển khai”.
Việc xử lý đối với các dự án mà chính quyền nhiệm kỳ trước của Đà Nẵng đã cấp phép xem ra không đơn giản. |
Ông Thơ nêu ra thực trạng ở Sơn Trà và nhận định rằng: “Nếu ngay từ đầu không có cái này thì giải quyết bài toán Sơn Trà không quá khó. Nhưng bây giờ, không phải chúng ta muốn là được ngay, mà phải rà soát và cân nhắc thật kỹ để chọn ra một điểm cân bằng cho phù hợp theo hướng tích cực nhất”.
“Chúng tôi trong quá trình thảo luận và càng về sau càng nghiêng về quan điểm tăng cường giữ gìn sinh thái, tất nhiên là cũng phải tính toán cho phù hợp ở mức độ khai thác phát triển hợp lý”.
“Kết quả rà soát chúng tôi đang làm nhưng vấn đề này không đơn giản chút nào. Bởi rà soát rồi còn phải giải bài toán đó thế nào nữa. Hồi xưa đất giao đó là hoang hóa rất rẻ, rất dễ dàng, giờ đắc địa lắm. Giờ thu hồi lại thì phải hỗ trợ, bồi thường, bố trí lại; không đơn giản với số lượng đất như thế, đặc biệt là quy ra tiền. Chúng tôi cũng tính nhẩm quỹ đất của thành phố này để bố trí cho người ta mà nát óc vì đất đâu ra, mà phải đắc địa như thế nữa. Rồi đụng đến giải phóng mặt bằng nữa. Giờ đưa dự án về bố trí chỗ khác phải giải phóng mặt bằng, tốn kém”.
Chủ tịch Đà Nẵng cho rằng sẽ tiếp tục tính toán, trong quá trình đó sẽ tham khảo qua các hội thảo với các chuyên gia, nhà chuyên môn để ‘giải bài toán’.
“Chúng tôi cam đoan rằng không để kinh tế lấn át, phương hại đi những giá trị của tự nhiên, những gì đặc sắc của bán đảo Sơn Trà. Đảng bộ chính quyền chúng tôi hiểu rất rõ vấn đề quan trọng của nó. Nhưng khi tiến hành để xử lý vụ việc như thế này cần có thời gian, cần giải bài toán để tìm lối ra”.
“Ví dụ nếu dừng lại một dự án thì phải đối mặt với kiện tụng, vì dự án người ta bỏ ra ngàn tỉ triển khai, đụng đến pháp lý không đơn giản, không phải như nhà của mình muốn là được”.
Ông Huỳnh Đức Thơ đặt ra mong muốn rằng dư luận ‘có thái độ không cực đoan’ và luôn nhận sự góp ý có cơ sở khoa học để giải quyết hiện trạng của Sơn Trà theo hướng tích cực. “Chúng tôi không hề đứng trước áp lực nào về vấn đề này, không có áp lực nào từ phía doanh nghiệp. Nếu có áp lực là mình phải xử lý việc cắt giảm các dự án thì phải bồi thường cho họ, đó là áp lực lớn”.
Lấn cấn việc ai bỏ tiền bảo vệ sạt lở Sơn Trà
Liên quan đến thông tin 17 vị cán bộ cao cấp, trung cấp nghỉ hưu tại Đà Nẵng vừa có đơn kiến nghị gửi các đồng chí lãnh đạo trung ương về kiến nghị giữ gìn bán đảo Sơn Trà, ông Thơ thừa nhận tại buổi họp báo là ‘chưa nhận được thông tin nào’.
“Tôi không đưa ra nhận định gì ở chỗ này vì sợ nhận định không đúng. Nhưng tôi nghĩ khi vấn đề Sơn Trà chúng ta đề cập quá nhiều trên báo chí và sự chỉ đạo của các lãnh đạo trung ương quyết liệt nên các vị nghĩ gửi ra trung ương sẽ nhanh hơn”.
Liên quan đến việc TP Đà Nẵng đang đề xuất việc xây kè chống sạt lở tại khu vực công ty Biển Tiên Sa đào bới để xây 40 móng biệt thự, ông Thơ cho hay: “Nhà đầu tư đề nghị cho họ có những biện pháp khắc phục như trồng cây, xây kè để chắn không cho đất sạt xuống biển, chúng tôi thấy đó là phù hợp. Nhưng chúng tôi cho rằng hiện nay chính phủ đang cho rà soát mà xây cái gì đó chúng tôi cũng cần phải báo cáo. Chúng tôi đã báo cáo với Thường trực Thành ủy để xin ý kiến, Thường trực cũng thống nhất để có biện pháp khắc phục”.
Vị này cũng cho hay đang băn khoăn giữa việc để TP hay công ty Biển Tiên Sa bỏ tiền ra làm kè. “Nếu doanh nghiệp bỏ tiền ra sau này họ nói đã bỏ công làm nên xin tiếp tục triển khai thì sao. Nên chúng tôi bàn đến phương án TP bỏ tiền ra, nhưng như vậy thì vô lý vì đất đã cấp sổ đỏ cho họ đời nào rồi, quyền sử dụng đất của họ mình không thể bỏ tiền mình xây trên đất của họ được”.
Theo đó, Chủ tịch Đà Nẵng cho biết hiện có hai cách là thành phố bỏ tiền ra làm rồi sau này lấy lại của doanh nghiệp. Nếu để doanh nghiệp làm thì chỉ được làm hạng mục kè, không được động đến các hạng mục khác”.
Lê Đình Dũng