Đã đến lúc cá tra Việt 'bơi' về nước
Gặp khó tại thị trường xuất khẩu
Dù có tin vui là Mỹ công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ lần thứ 15 xuống còn 0% cũng như chính thức công nhận hệ thống kiếm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam sau 3 năm liên tiếp kiểm tra giám sát nghiêm ngặt, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, ngành cá tra cũng có những thông tin đáng buồn trong năm qua.
Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết xuất cá tra trong năm 2019 ước đạt gần 2 tỉ USD, giảm 11,7% so với năm 2018.
Giá cá nguyên liệu từ mức đỉnh là 33.500 đồng/kg vào tháng 10/2018 đã giảm mạnh chỉ vài tháng sau đó và duy trì ở mức thấp, từ 18.000 - 19.000 đồng/kg, khiến nông dân bị thua lỗ.
Diện tích nuôi mới và sản lượng giảm. Ước sản lượng cả năm chỉ đạt 1,23 triệu tấn, giảm 6% so với năm 2018.
Điều đáng ngại hơn cả là cơ cấu thị trường đã có sự thay đổi khi giảm sản lượng ở Mỹ, EU nhưng tăng ở Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN, sự thay đổi này được cho là sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với cả ngành hàng trong thời gian tới.
Theo VASEP, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ trong năm 2019 giảm mạnh đến 49% còn 282 triệu USD, do lượng tồn kho tại thị trường cao, nhu cầu nhập khẩu giảm.
Do đó, năm 2019, Mỹ chỉ còn chiếm 14% giá trị cá tra xuất khẩu của Việt Nam, tụt xa so với vị thế số 1 của Trung Quốc, chiếm trên 32%. Hơn nữa, thuế chống bán phá giá giai đoạn POR14 ở mức cao khiến doanh nghiệp khó thâm nhập thị trường.
Trong khi đó, Trung Quốc dù đang giữ vị trí số một về nhập khẩu cá tra từ Việt Nam, nhưng lại là thị trường không ổn định, nhiều rủi ro. Gần đây, thị trường này cũng khắt khe hơn về chất lượng và truy xuất nguồn gốc, sản phẩm cá tra xuất sang đây phải theo những tiêu chuẩn của các thị trường khó tính như Mỹ và EU….
"Với thị trường Trung Quốc, phần lớn là do những đổi thay về phương thức mua bán. Cụ thể là trước đây, Trung Quốc cho phép nhập khẩu tiểu ngạch nên cá tra Việt Nam đã xuất khẩu nhiều qua thị trường này.
Tuy nhiên, năm nay Trung Quốc siết chặt nhập khẩu, yêu cầu hàng phải xuất chính ngạch, cùng những tiêu chuẩn không thấp hơn các nước khu vực châu Âu khiến xuất khẩu cá tra gặp khó", ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho hay.
Đến lúc cá tra Việt trở về thị trường nội địa
Với những khó khăn hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng thời gian tới doanh nghiệp cần đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng.
Đặc biệt bên cạnh việc tăng sức cạnh tranh khi xuất khẩu thì việc thúc đẩy tiêu thụ cá tra tại thị trường nội địa đầy tiềm năng là hướng đi khả thi cho ngành hàng này.
Bởi có một thực tế là trong khi với ngành hàng lúa gạo còn có bệ đỡ là thị trường nội địa trường hợp dư thừa sản lượng. Còn cá tra thì không có kênh tiêu thụ nội địa để hạn chế rủi ro.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhìn nhận đây là hướng đi đúng đắn. "Trong năm 2020 sẽ thúc đầy nhiều hơn vào thị trường trong nước. Mục tiêu của ngành hàng là thị trường nội địa sẽ chiếm 10 - 15% trong tổng sản lượng, bổ sung cân đối hơn so với hiện nay con cá tra đang phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu".
Thực tế nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản đang nỗ lực định vị thương hiệu tại thị trường nội địa bằng cách phát triển những dòng sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng mới.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp hướng đi này sẽ không dễ dàng do từ trước tới nay, loại cá tra trơn "tỉ đô" không được nhiều người tiêu dùng trong nước đón nhận dù đã có mặt trên 150 thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, ông Dũng cho hay: "Hệ thống chế biến, logistics của các doanh nghiệp sản xuất chế biến cá tra lâu nay được đầu tư chuyên phục vụ chế biến xuất khẩu rồi, nếu tách ra một nhánh làm thị trường trong nước phải tính lại bài toán hiệu quả chi phí.
Cho đến nay, sản lượng tiêu thụ nội địa chưa nhiều, rủi ro lớn mà phải tổ chức riêng một bộ máy chắc chắn chi phí bị đẩy lên rất cao, các doanh nghiệp không dám mạo hiểm".
Ở trong nước, hiện cá tra chỉ có chủ yếu các sản phẩm như cá nguyên con, cá cắt khúc hay chả cá, cá viên, phi lê đông lạnh... bán tại chợ, siêu thị nhưng cũng phải đổi tên thành “cá ba sa” và có giá khá rẻ. Giá cá tra nguyên con hiện ở mức 45.000 - 50.000 đồng/kg. Chả cá cũng chỉ quanh 100.000 đồng/kg...
Do đó, các chuyên gia cho rằng để khai thông thị trường nội địa, cá tra cần có kênh phân phối để tự cứu mình, phải tìm cách mở thị trường nội địa, để chủ động kiểm soát rủi ro.
Ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, cho rằng việc tiêu thụ cá tra chế biến ở ngay thị trường trong nước lại chưa nhiều vì nhiều người vẫn nghĩ cá tra nuôi không sạch.
Tuy nhiên, theo ông Thiện cần nhìn nhận cá tra hiện nay được nuôi rất sạch, sạch hơn tất cả loại cá khác, thậm chí còn sạch hơn các loại động vật từ thiên nhiên.
"Lí do là môi trường tự nhiên ít nhiều đã bị ô nhiễm, các loại động vật tự nhiên chắc chắn bị ảnh hưởng. Trong khi đó, cá tra được kiểm soát chặt trong quá trình nuôi và đối chiếu tiêu chuẩn an toàn của Mỹ", ông Thiện chia sẻ.
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ cá tra trong nước mới mẻ, người tiêu dùng trẻ, thông thái và ngày càng quan tâm đến sức khoẻ, sản phẩm cá tra đã được chấp nhận ở các thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ, EU... nên so với trước đây, hình ảnh con cá tra sẽ thuận lợi hơn trong việc tìm chỗ đứng tại thị trường nội địa.
Do đó, trong thời gian tới, doanh nghiệp này muốn đưa sản phẩm cá tra tiêu thụ ở thị trường TP HCM dựa trên các phân khúc khách hàng khác nhau với hy vọng con cá tra sẽ được chấp nhận trên chính "sân nhà".
"Cỏ May có nhiều dự định về sản phẩm cá tra dành cho thị trường trong nước. Hiện tại, công ty đang sẵn sàng các sản phẩm có qui cách cơ bản phù hợp với thói quen chế biến của người Việt, như fillet còn da cắt miếng, fillet không da cắt miếng, cắt khúc và xẻ bướm…
Trong thời gian tới, Cỏ May tiếp tục tung ra thị trường các sản phẩm cá tra đã chế biến sâu, phù hợp với người tiêu dùng trẻ và bận rộn, ưa thích sự tiện lợi", ông Thiện chia sẻ.
Còn theo đại diện Hiệp hội cá tra Việt Nam: "Để phát triển ở thị trường trong nước, ngành cá tra cần có kênh phân phối mạnh. Nhà nước cần có những ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng phải thúc đẩy hơn nữa khâu truyền thông, xúc tiến thương mại để người tiêu dùng ngày càng quen thuộc với mặt hàng cá tra", ông Quốc nhấn mạnh.