Đã có 9 doanh nghiệp bị âm quỹ bình ổn giá xăng dầu
Tại cuộc họp báo thường kì qúy I, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay Quỹ Bình ổn còn đang thấp. Hiện nay, đã có 9 trong tổng số 28 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị âm quỹ bình ổn.
Họp báo thường kì qúy I Bộ Công Thương. Ảnh: Đức Quỳnh
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết hiện nay xăng dầu là một trong ít các mặt hàng được dần được điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Cả nước hiện có 28 đầu mối kinh doanh nhập khẩu xăng dầu, và trong thời gian tới có thể tăng thêm.
"Bộ Công Thương đang xét tiếp, bất cứ doanh nghiệp nào đáp ứng quy định tại Nghị định 83, chúng tôi sẽ cấp phép từ phân phối, đại lý..."
Ông Hải thông tin thêm Nghị định 83 đã có công thức tính, trong đó quy định rõ các thành phần từ thuế cho đến các thành phần cấu thành khác, giá xăng dầu bình quân 15 ngày được lấy theo giá Singapore.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính chỉ có thể điều chỉnh bằng việc sử dụng quỹ bình ổn giá. Quỹ này thành lập bằng cách mỗi lít xăng dầu nhập khẩu sẽ được trích 300 đồng.
"Quỹ này nằm ở chính doanh nghiệp. Tuỳ theo điều hành chu kỳ 15 ngày, nếu phải trích thì trích ra, trường hợp trích nhiều thì thành âm, ngân sách không bỏ ra một đồng nào", Thứ trưởng nói.
Bày tỏ quan điểm cá nhân, ông Hải mong muốn "bỏ càng sớm càng tốt" quỹ bình ổn giá xăng dầu. "Không có quỹ này thì cứ cong ăn cong thẳng ăn thẳng, giá thế giới tăng thì tăng, giảm thì giảm".
Mặc dù vậy, ông Hải cũng nói thêm: "Trong cuộc họp gần đây nhất, Chính phủ đã đưa ra bàn và thống nhất hiện nay Việt Nam chưa phải nền kinh tế thị trường nên vẫn cần vai trò quản lý nhà nước".
Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kì diễn ra chiều ngày 2/4, liên quan đến vấn để giá xăng dầu tăng mạnh trên 1.000 đồng/lít từ chiều ngày 2/4, Thứ trưởng Thắng Hải cho biết vừa qua, Chính phủ đã quyết định tăng giá điện vào ngày 20/3.
Trong khi đó, ngày 18/3 là kì điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kì 15 ngày điều chỉnh 1 lần và đồng thời gian đoạn đó giá xăng dầu thế giới vẫn trong xu hướng tăng mạnh.
Do đó, để tránh tác động do tăng giá kép hai mặt hàng thiết yếu này, Chính phủ quyết định không tăng giá xăng dầu và phải bù khoảng 2.000 đồng/lít.
"Trong kì điều hành lần này, giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng, do đó chúng ta buộc phải tăng giá trung bình khoảng trên 1.000 đồng/lít. Để tăng ở mức này, Liên Bộ Công Thương - Tài Chính vẫn quyết định phải chi hơn 2.000 đồng để bù, nếu không giá xăng tăng khoảng 3.000 đồng/lít. Chúng tôi mong muốn giá điện, giá xăng dầu dần tiến đến theo giá thị trường", Thứ trưởng nói.
Trước đó, trao đổi với báo chí ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định bản chất quỹ Bình ổn giá là tiền của người dân ứng trước để doanh nghiệp được hưởng chứ không phải tiền của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp phải chia sẻ với người quản lí nhà và người tiêu dùng bởi có lúc doanh nghiệp được dư rất nhiều quỹ.
Ông Đông cho biết nguyên tắc điều hành giá xăng dầu là tôn trọng quy tắc thị trường và dưới sự điều hành của nhà nước, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Trong mỗi lần điều hành cần bám sát vào mục tiêu vĩ mô của nhà nước ví dụ như CPI.
"Quan điểm của tôi là làm việc gì cũng đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Tất nhiên, vẫn phải đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và nhà nước.