Cựu sao tuyển Nhật chuyển hướng làm nhà đầu tư khởi nghiệp
Quỹ X&KSK do Keisuke Honda thành lập dự định đầu tư vào khoảng 30 công ty khởi nghiệp Nhật Bản. Theo cựu cầu thủ Nhật Bản, quỹ đặt mục tiêu tìm ra ít nhất một công ty đạt mức định giá 10 tỷ USD
"Tôi nhận ra mình đang có quyền tiếp cận những thương vụ khá tốt vì mọi người biết tôi từ sự nghiệp cầu thủ bóng đá," Keisuke Honda nói.
Ở một đất nước mà các ngôi sao thường e ngại nói về tiền bạc hay đầu tư, cựu tiền vệ của AC Milan không phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh từ các ngôi sao thể thao khác. Đây hoàn toàn khác biệt so với Mỹ, nơi con đường từ ngôi sao thể thao đến ông chủ các quỹ đầu tư mạo hiện đã được những người như cựu sao bóng rổ gồm Andre Iguodala, Shaquille O'Neal, LeBron James hay tay vợt Serena Williams đi trước.
"Tôi không có đối thủ nào ở Nhật Bản. Tôi đang ở một vị trí vô cùng may mắn," Honda nói.
Honda tham gia vào dòng chảy đầu tư đang đổ vào thị trường khởi nghiệp lâu đời của Nhật Bản. Kế hoạch 5 năm của Thủ tướng Fumio Kishida nhằm chuyển dòng tiền từ Quỹ Đầu tư An sinh Lao động vào các công ty khởi nghiệp đã nâng mức đầu tư vào hệ sinh thái này lên mức cao kỷ lục vào năm 2022.
Mặc dù giá trị các thương vụ được cho là giảm trong năm ngoái, số lượng người chơi mới đang gia tăng: 61 quỹ đầu tư mạo hiểm mới được thành lập tại Nhật Bản trong nửa đầu năm 2023, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước đó, theo dữ liệu của công ty dữ liệu khởi nghiệp Nhật Bản - Initial.
Nhiều năm trước, Keisuke Honda cũng đã theo đuổi các công ty khởi nghiệp mới chớm nở ở nước ngoài, hợp tác với những người nổi tiếng như Will Smith và các nhà đầu tư mạo hiểm khác ở Mỹ.
Quỹ Dreamers VC, do ông thành lập cùng với Smith vào năm 2018 với sự hỗ trợ của Nomura, đã đầu tư vào hai công ty của tỷ phú Elon Musk là Neuralink và The Boring Company.
Honda ban đầu dự định thành lập quỹ mới ở Mỹ, nơi các nhà đầu tư lớn như Sequoia và Andreessen Horowitz đưa ra nhiều khả năng thoái vốn hơn Nhật Bản.
Tại quốc gia mặt trời mọc, các quỹ đầu tư mạo hiểm chiếm ưu thế hơn và họ không đầu tư quá nhiều thương vụ lớn. Các bên tập trung vào mối quan hệ hợp tác chiến lược lâu dài, chứ không chú trọng theo đuổi lợi nhuận và tăng trưởng nhanh chóng. Tiêu biểu là các thương vụ được tài trợ bởi những công ty như Toyota Motor và Sony.
Sự hỗ trợ mới của Tokyo dành cho các công ty khởi nghiệp đã thay đổi suy nghĩ của Honda. Quỹ mới của ông đã đặt cược vào ba công ty đã niêm yết gồm: Makuake - công ty mà ông đã thoái vốn với mức định giá lên tới 143 tỷ Yên; AnyMind Group và nhà cung cấp giáo dục tiếng Anh Progrit. Ông cũng đầu tư vào công ty chia sẻ xe - Luup KK và công ty blockchain - Layerx KK.
Honda có kế hoạch tận dụng các mối quan hệ của mình ở Mỹ để giúp các nhà sáng lập gọi vốn và giành được chỗ đứng trên thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.
Hàng chục công ty khởi nghiệp Nhật Bản, từ các công ty gia công phần mềm đến các nhà sản xuất thiết bị dịch thuật, đang chuẩn bị niêm yết trên Nasdaq nhằm thu hút các nhà đầu tư Mỹ và giảm sự phụ thuộc của họ vào thị trường nội địa già cỗi và không thích rủi ro.
“Các công ty khởi nghiệp Nhật Bản đang quá bó mình trong nước và một phần nguyên nhân nằm ở các nhà đầu tư mạo hiểm ở đây. Chúng tôi sẽ theo đuổi một số công ty khởi nghiệp hàng đầu đang khao khát tăng trưởng và biến họ thành các công ty toàn cầu", cựu HLV trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Campuchia nói.