|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cựu Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng qua đời

14:31 | 17/06/2022
Chia sẻ
Dưới thời ông Dũng, Eximbank từng đạt được lợi nhuận đỉnh cao vào năm 2011 nhưng cũng sụt giảm nhanh chóng. Sau khi ông Dũng rời đi, vấn đề nhân sự cấp cao ở Eximbank luôn nóng bỏng.

 Ông Lê Hùng Dũng. (Ảnh: VFF).

Thông tin từ VFF, nguyên Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã qua đời vào lúc 2h15 sáng 17/6 tại nhà riêng ở TP HCM. Ông Dũng ra đi sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh ung thư.

Ông Lê Hùng Dũng sinh năm 1954 tại An Giang. Ông Dũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã: EIB) giai đoạn 2010 - 2015. Ở cương vị Chủ tịch Eximbank, ông Dũng góp phần đưa nhà băng này trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam lúc bấy giờ.

Thời điểm năm 2011, Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4.056 tỷ đồng, mức cao nhất sau nhiều năm hoạt động. Tuy nhiên kể từ sau đó lợi nhuận ngân hàng ghi nhận sụt giảm mạnh, đến năm 2014 chỉ còn 69 tỷ đồng, theo báo cáo thường niên năm 2014.

Con số lợi nhuận năm 2014 và 2015 của Eximbank sau đó tiếp tục được điều chỉnh về âm theo kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Cụ thể, thanh tra NHNN cho biết trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2013, Eximbank đã bán một số tài sản cố định cho Công ty Bất động sản Eximland và đã ghi nhận các khoản lợi nhuận hơn 1.116 tỷ đồng. Sau đó, Eximbank lại mua lại các tài sản này từ Eximland trong thời gian từ năm 2011 đến 2015.

NHNN yêu cầu Eximbank phải ghi giảm thu nhập do bán các tài sản không đúng quy định và ghi giảm các chi phí liên quan khác để khôi phục giá trị tài sản về giá trị ban đầu. Hai năm liền lợi nhuận bị âm khiến cổ phiếu ngân hàng bị đưa vào diện cảnh báo. 

Ông Dũng rời khỏi Eximbank vào năm 2015 và thay thế ông là ông Lê Minh Quốc. Vấn đề nhân sự ở Eximbank cũng rục rịch nóng lên sau đó.

 Kết quả kinh doanh của Eximbank dưới thời ông Lê Hùng Dũng. (Nguồn: BC thường niên Eximbank năm 2014).

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng được biết đến là cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC). Trong 11 năm  tại SJC, ông Dũng cùng với cộng sự đã chuyển đổi mô hình hoạt động của đơn vị này, với kỷ lục doanh số đạt 5 tỷ USD vào năm 2011, tăng 50 lần so với 10 năm trước đó.

Ông Dũng cũng là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF khóa 5 (2005-2009), khóa 6 (2009-2013).  Tháng 12/2013, ông lên nắm vị trí quyền chủ tịch VFF thay cho ông Nguyễn Trọng Hỷ xin rút. Ngày 25/3/2014, ông Lê Hùng Dũng trúng cử chức danh chủ tịch VFF khóa 7 (nhiệm kỳ 2014-2018).

Trong sự nghiệp của ông Lê Hùng Dũng ở VFF, bóng đá Việt Nam đã hai lần giành chức vô địch AFF Cup vào các năm 2008, 2018.  Cũng trong nhiệm kỳ làm chủ tịch VFF khóa 7 (2014-2018), ông Lê Hùng Dũng đã mời được ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) về làm phó chủ tịch phụ trách tài chính.

Năm 2017, ông Trần Quốc Tuấn, ông Đoàn Nguyên Đức đã sang Hàn Quốc đàm phán và đưa HLV Park Hang Seo về dẫn dắt đội tuyển Việt Nam.

Suốt thời gian làm chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng không nhận một đồng tiền lương. Từ 2015, sức khỏe ông Dũng suy yếu. Năm 2018, ông rời VFF khi hết nhiệm kỳ Chủ tịch.

Chí Dũng

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.