|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng của BIDV đạt 8,1%, cho vay BĐS tiêu dùng tăng rất chậm

15:31 | 13/11/2023
Chia sẻ
Tổng Giám đốc BIDV cho biết tính đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mới chỉ đạt 8,1%. Trong đó, tăng trưởng tín dụng lĩnh vực BĐS tiêu dùng rất chậm, chỉ đạt 4% trong khi hàng năm thường khoảng 20%.

Thông tin tại Hội nghị Tín dụng đối với bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội sáng 13/11, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID), cho biết tính đến hết ngày 31/10, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 8,1%chỉ thực hiện 60% kế hoạch được giao (14%).

Ông Lâm cho biết dư nợ đối với lĩnh vực BĐS đạt 297.000 tỷ đồng, tăng 7,9% so với đầu năm, gần bằng mức tăng trưởng chung. Hiện nay dư nợ đối với lĩnh vực này đang chiếm khoảng 18% tổng dự nợ của BIDV. 

Trong đó, số dư cho vay kinh doanh BĐS đạt 56.000 tỷ đồng, chiếm từ 18 - 19% dư nợ của mảng này. Dư nợ cho vay BĐS tiêu dùng (nhóm khách hàng cá nhân) đạt 240.000 tỷ đồng, chiếm 81%. 

Tổng Giám đốc của BIDV cũng tiết lộ thêm rằng năm 2023, dư nợ BĐS tiêu dùng tăng rất chậm, chưa đến 4%. Trong giai đoạn trước, tốc độ tăng trưởng của phân khúc này thường đạt 20%. 

Tình hình tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực BĐS của BIDV cũng đang tương tự với xu hướng chung của toàn ngành ngân hàng khi tín dụng BDS kinh doanh tăng nhanh hơn BDS tiêu dùng.

Tại hội nghị, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, cho biết tính đến 30/09, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Trong đó tín dụng BĐS tập trung vào mục đích tiêu dùng tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS.

Trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh BĐS lại có sự tăng trưởng rất cao (21,86%), cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. Theo ước tính trên số liệu của NHNN, tín dụng BĐS tiêu dùng đã giảm 1,2% so với thời điểm cuối năm ngoái.

Tại Hội nghị, đại diện Vietcombank giải thích lý do khiến tín dụng BĐS tăng chậm là do khách hàng hiện nay còn tâm lý chờ giá giảm, chưa xuống tiền mua nhà. 

Từ đầu năm tới nay, tiền gửi tiếp tục tăng mạnh dù ngân hàng đã hạ lãi suất huy động. Trong khi đó, cho vay đối với mua nhà, dự án, mua đất ở của khách hàng liên tục sụt giảm do cả yếu tố chờ đợi lẫn tâm lý. 

Minh Quang

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.