Cuối năm, cổ phiếu ngành nào hot?
Chỉ còn hơn một tháng là kết thúc năm 2016. Thị trường chứng khoán đã đi gần hết chặng đường với đa số gam màu sáng. Tính đến hết tháng 10, VN-Index đã tăng gần 17%, một con số khá tốt so với các kênh đầu tư khác. Nhưng, theo quan sát của Maybank Kim Eng, thị trường đang bị thử thách và đã “giậm chân tại chỗ” hơn 3 tháng nay. Nhà đầu tư cũng mất dần kiên nhẫn khi VN-Index cứ loanh quanh trong mức 670-680 điểm và giao dịch cầm chừng.
Đặc biệt, sự kiện ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đã khiến thị trường chứng khoán thế giới chao đảo. Thị trường Việt Nam cũng giảm mạnh trong phiên ngày 9.11. Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), thông tin từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang ảnh hưởng đến tâm lý và diễn biến thị trường chứng khoán trong nước. VN-Index có thể mất mốc 650 điểm, thậm chí còn tiêu cực hơn trước khi ổn định trở lại.
Bối cảnh chung thị trường là thế. Nhưng xét từng ngành nghề, diễn biến có sự khác biệt. Ở ngành dược, giá cổ phiếu dược đã tăng cao hơn 3 lần so với đà tăng của VN-Index. Đây cũng là nhóm cổ phiếu nhận được sự hỗ trợ từ kỳ vọng nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi nới room 100%, cổ phiếu DMC của Domesco đã tăng gần 137% so với đầu năm, tăng cao nhất trong nhóm cổ phiếu dược.
Tuy nhiên, các hãng dược khác, đặc biệt là nhóm công ty hoạt động trong lĩnh vực phân phối, lại không được thị trường “ưu ái” như thế. Maybank Kim Eng cũng đánh giá cao nhóm công ty sản xuất dược hơn so với các công ty phân phối dược. Có thể thấy, nhóm công ty sản xuất dược có mức tăng giá trung bình cao hơn, gần 70%, trong khi bình quân cổ phiếu các công ty chuyên về phân phối dược phẩm chỉ tăng hơn 34%. Biên lợi nhuận của các công ty phân phối dược chỉ khoảng 3,1% trong khi ở nhóm sản xuất là 11,3%. Tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của nhóm phân phối dược là 2,2 lần, cao hơn so với mức 8% ở các công ty sản xuất dược
Nhìn chung, trong tương lai, những yếu tố cơ bản của ngành dược như P/E (thị giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu), EPS (thu nhập mỗi cổ phiếu) bình quân ngành vẫn được các công ty chứng khoán đánh giá ở mức hấp dẫn so với các ngành khác và trong khu vực ASEAN. Trong đó, DHG của Dược Hậu Giang, với sự hiện diện của nhà đầu tư chiến lược Nhật Taisho, đang nhận được nhiều kỳ vọng hơn cả.
Thủy điện cũng là ngành được bộ phận phân tích thuộc Công ty Chứng khoán VPBS khuyến nghị đầu tư trong quý IV năm nay. Lũy kế 9 tháng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tăng được 11,23% về sản lượng so với cùng kỳ. Trong đó, nhiệt điện than đóng góp lớn nhất. Nhưng những tháng cuối năm, theo Maybank Kim Eng, thủy điện sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn do mưa lũ nhiều, nhất là các nhà máy thủy điện đặt ở Trung Bộ và Tây Nguyên như Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH), Sông Ba (SBA), Thủy điện Miền Trung (CHP). SBA cùng với Thủy điện Nậm Mu (HJS), Thủy điện Thác Bà (TBC) đều ghi nhận lợi nhuận lũy kế 9 tháng tăng so với cùng kỳ. SBA tăng mạnh nhất với gần 62%. Ba công ty thủy điện này đều có P/E thấp hơn so với P/E trung bình ngành (13,1 lần).
Ảnh: Quí Hòa
Cổ phiếu ngành tiêu dùng cũng khá hấp dẫn với P/E bình quân hiện ở mức 13,4 lần, so với 31 lần của các nước trong khu vực, theo Bloomberg. Doanh nghiệp ngành này đang có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng trưởng. BMI ước tính 5 năm tới sẽ có thêm hơn 6 triệu hộ gia đình ở Việt Nam gia nhập nhóm thu nhập 5.000-10.000 USD. Euromonitor thì cho rằng, chi tiêu tiêu dùng sẽ tăng 47% từ nay đến năm 2019. Việt Nam lại là nước đông dân thứ 3 Đông Nam Á, với gần một nửa dân số dưới 30 tuổi. Theo Tổng cục Thống kê, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính chung 10 tháng đầu năm 2016 tăng 9,3% so với cùng kỳ. Tăng mạnh vẫn là nhóm lương thực thực phẩm (10,6%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (9,3%).
Trong bối cảnh đó, các cổ phiếu ngành tiêu dùng - bán lẻ cũng thơm lây như Vinamilk (VNM), Thế Giới Di Động (MWG), PNJ. Nhưng cùng với việc nới room ở các công ty niêm yết, việc thoái vốn nhà nước khỏi Sabeco, Habeco hay Vinamilk, Mobifone… sẽ giúp tăng thêm chất lượng hàng hóa trên thị trường và tăng tính minh bạch cho các công ty.
Trong khi ngành tiêu dùng tỏa sáng thì một ngành khác - cao su - cũng có dấu hiệu khởi sắc. Giá mủ cao su đã tăng trở lại, khoảng 18% so với mức đáy đầu năm sau thời gian dài suy giảm. Giới phân tích tin rằng, giá cao su sẽ tiếp tục hồi phục nhẹ trong năm 2017. Nhưng dù giá cao su tăng, các công ty cao su tự nhiên vẫn phải dựa vào nguồn thu khác. Chẳng hạn, doanh thu, lợi nhuận của Cao su Đồng Phú (DPR) đến từ thanh lý vườn cao su. Hay lợi nhuận của Cao su Phước Hòa (PHR) tăng gần 200% trong 9 tháng đầu năm 2016 cũng chủ yếu đến từ đây.
Những ai thích cổ tức sẽ có thêm lý do để chú ý đến nhóm cổ phiếu cao su. Bởi dù lĩnh vực kinh doanh cốt lõi không như mong muốn, các công ty cao su thiên nhiên thường duy trì chính sách cổ tức tương đối hấp dẫn. DPR, chẳng hạn, dự kiến chi trả cổ tức 2016 bằng tiền mặt ở mức 3.000 đồng/cổ phiếu.
Những ngành sẽ được chú ý vào các tháng cuối năm, theo VPBS, còn là cảng biển, xây lắp và vật liệu xây dựng. Theo lý giải của VPBS, những ngành này sẽ hưởng lợi từ nhu cầu tăng. Các công ty trong ngành cảng biển, logistics như Viconship, Gemadept... có sẽ lợi lớn khi các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước có hiệu lực. Ngoài ra, sự hoàn thiện hạ tầng ở các khu vực cảng biển, cụm công nghiệp cũng giúp doanh nghiệp ngành này hoạt động thuận lợi hơn.
Ở ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, cuối năm bao giờ cũng là thời điểm tất bật và ghi nhận doanh thu cao nhất so với các quý còn lại. Riêng thép tiếp tục nhận sự bảo hộ từ chính sách, thúc đẩy tiêu thụ tăng trưởng. Nhu cầu xây dựng tăng cũng đẩy tăng nhu cầu các vật liệu khác như gạch, sắt, thép, xi măng, đá… Điều này sẽ hỗ trợ các công ty hoạt động trong ngành xây dựng và vật liệu xây dựng như Coteccons (CTD), Hòa Bình (HBC), Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG), Hà Tiên (HT1). Từ đó, tạo sự phấn khởi cho nhóm cổ phiếu trong ngành.