Cuộc soán ngôi ngoạn mục của CEO hàng không giá rẻ
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet. ẢNH: BẠCH DƯƠNG |
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (47 tuổi), Tổng giám đốc Hãng hàng không VietJet, đang nắm giữ 9,42% cổ phần VJC. Cùng với 23,24% thuộc Công ty TNHH đầu tư Hướng Dương Sunny do bà sở hữu 100%, tổng cộng bà đang nắm giữ tại VietJet lên đến 32,66%. Với giá cổ phiếu VietJet chốt phiên cuối tuần ở mức 132.100 đồng/cổ phiếu, tổng tài sản của bà Thảo lên đến 13.000 tỉ đồng, đưa bà trở thành người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán. Trước đó, ngôi vị này thuộc về bà Phạm Thu Hương, vợ của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.
VietJet ra đời từ năm 2007, phát triển theo hướng là hãng hàng không giá rẻ và sau đó đã tăng tốc chóng mặt. Ba năm kể từ sau chuyến bay đầu tiên (2011), VietJet đã có thị phần nội địa gần 30%, rồi tăng lên 37% vào năm 2015 và vươn 41% vào năm 2016, sánh vai với thị phần 42% của Vietnam Airlines. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 của VietJet đạt gần 2.290 tỉ đồng, tăng 95,6% so với năm 2015. VietJet dự kiến sẽ tăng số đường bay nội địa lên 45 đường bay vào năm 2019, tăng số đường bay quốc tế lên con số 36 vào năm 2018.
"Cân bằng giới tính" ở top 10 người giàu nhất
Không chỉ trở thành người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán, CEO VietJet còn vượt ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, để ngồi vào vị trí người giàu thứ 3 trên sàn. Hai người phụ nữ giàu kế đó là bà Phạm Thu Hương, Tập đoàn Vingroup với tài sản trị giá 5.555 tỉ đồng, và bà Phạm Thúy Hằng, em gái bà Hương, với 3.700 tỉ đồng. Bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long (HPG) đứng ngay sau đó với khối tài sản trị giá 2.517 tỉ đồng. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), nắm giữ tài sản trị giá 2.370 tỉ đồng, thông qua hơn 49% cổ phần tại VHC.
Như vậy, trong bảng danh sách 10 người giàu nhất, đã có 5 người phụ nữ làm đối trọng với 5 người đàn ông giàu nhất, điều chưa từng có từ trước đến nay.
Nói việc nữ giới tham gia vào danh sách người Việt siêu giàu, chuyên gia kinh tế tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định đây là tín hiệu đáng mừng, đáng mừng hơn trong bối cảnh VN đang hội nhập quốc tế. Ông nói: “Thực tế, phụ nữ luôn có những rào cản nhất định trong cạnh tranh với nam giới trên mọi lĩnh vực, thậm chí đâu đó luôn có những đánh giá vai trò của phụ nữ thấp hơn nam giới. Nên để thành công, họ phải nỗ lực gấp đôi so với nửa thế giới còn lại. Đó là hiện tượng chung của thế giới, với phương Đông điều này càng thể hiện rõ nét hơn”.