|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cuộc đua 'một mất, một còn' trên thị trường bán lẻ

14:27 | 03/04/2019
Chia sẻ
Shop&Go - một trong những chuỗi cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam, đã nhượng lại toàn bộ 87 cửa hàng cho VinCommerce, đơn vị quản lý hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ (thuộc Tập đoàn Vingroup) với mức giá tượng trưng chỉ 1 USD.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, đây được xem là động thái rút lui "không kèn, không trống", một tuyên bố "phá sản" hơn là một nghĩa cử mang tính "cho, tặng" đơn thuần. Thực tế, các năm gần đây thương hiệu này đã dần khó khăn. Hai năm 2015 và 2016 hệ thống cửa hàng này báo lỗ lần lượt 17,8 và 38,6 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến cuối năm 2016 là gần 205 tỷ đồng.

Cuộc đua một mất, một còn trên thị trường bán lẻ - Ảnh 1.

Một cửa hàng tiện lợi của nước ngoài tại TP HCM.

Theo Bảng xếp hạng Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) của ATKearney trong 10 năm giai đoạn 2007-2017, Việt Nam có 7 năm được xếp trong nhóm 30 thị trường bán lẻ tiềm năng hàng đầu thế giới. Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa Việt Nam đạt 3,3 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2018. Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, quy mô dân số lớn và trẻ, tiến trình đô thị hóa và thu nhập của người dân đô thị ngày càng tăng là những điểm tạo nên sự hấp dẫn của quốc gia Đông Nam Á.Ông Phạm Việt Anh, chuyên gia chiến lược tăng trưởng doanh nghiệp cho rằng, với những doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán lẻ, dòng tiền là yếu tố quan trọng hơn lời lãi, khi xét đến tổng thể hoạt động kinh doanh. Ví dụ Shop&Go, về mặt số liệu tài chính có thể thua lỗ, nhưng chuỗi này vẫn có dòng tiền dương để đảm bảo hoạt động. Điều này đến từ hai yếu tố là vòng quay hàng hóa đủ nhanh và khả năng chiếm dụng vốn từ nhà cung cấp.

Tuy nhiên "việc mượn vốn từ đối tác" để hoạt động chỉ là câu chuyện trong ngắn hạn, về lâu dài, nếu để trạng thái thua lỗ kéo dài sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Nói một cách đơn giản, nếu chuỗi bán lẻ hoạt động không hiệu quả, vòng quay hàng tồn kho không hoàn thành trước mỗi kỳ thanh toán sẽ khiến vốn lưu động bị thiếu hụt.

Nhìn từ báo cáo tài chính của Shop&Go cũng thấy được phần nào kết luận này khi doanh nghiệp phải sử dụng vốn vay đề bù đắp thiếu hụt thanh khoản. Toàn bộ tài sản của chuỗi đến cuối năm 2016 hình thành từ nợ phải trả.

"Doanh nghiệp bán lẻ, có thể chiếm dụng được vốn của nhà cung cấp để tạo ra vòng quay vốn lưu động nhưng về lâu dài sẽ phải tìm ra cách để có lợi nhuận. Nếu không làm được, khi các khoản lỗ âm vào vốn chủ sở hữu, việc phá sản sẽ diễn ra", ông Việt Anh đánh giá.

Shop&Go, thực tế, cũng chỉ là trường hợp tiếp theo nối dài danh sách những tên tuổi phải thu hẹp hoạt động, hoặc rút khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam.

Vissan đầu năm 2018 cho biết đã đóng cửa gần 60 cửa hàng trong chuỗi 100 cửa hàng tiện lợi mà đơn vị này có. Saigon Co.op khi thành lập hệ thống bán lẻ Co.op Smile năm 2016 từng có tham vọng mở 500 cửa hàng trong một năm, nhưng sau hơn hai năm, quy mô chuỗi này chưa bằng một phần năm kỳ vọng ban đầu. Familymart cũng từng tuyên bố sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng vào 2020 tại Việt Nam nhưng đến năm ngoái họ cho biết sẽ ngưng đầu tư thêm vì không hiệu quả.

Trung Nguyên - một trong những "đại gia" cà phê, cũng không thoát cảnh thất bại trong cả hai lần cố gắng tham gia lĩnh vực bán lẻ với G7 Mart và G7-Ministop. Một số thương hiệu khác cũng âm thầm rời bỏ thị trường Việt Nam chỉ sau thời gian ngắn thử nghiệm.

Lý do đằng sau sự rời bỏ, hầu hết đều xoay quanh việc thua lỗ và không thể cạnh tranh. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan từng lý giải họ phải đóng cửa nhiều cửa hàng, chủ yếu do hoạt động không hiệu quả, lượng khách đến mua không nhiều. Lãnh đạo Family Mart cũng nhắc tới lý do thua lỗ khi tuyên bố "không thể đổ thêm nguồn lực để đầu tư".

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, thị trường bán lẻ Việt Nam dần trở nên chật chội với sự tham gia của ngày càng nhiều những tên tuổi lớn, dẫn tới sức ép cạnh tranh gia tăng.

Từ những thương hiệu nước ngoài như FamilyMart, Ministop, Circle K, Shop & Go, 7-Eleven sớm có mặt trên thị trường Việt Nam, cho tới những đối thủ trong nước như Vingroup, Sài Gòn Co.op, Satra hay Vissan. Cuộc đua giành giật thị phần, khách hàng, cho tới việc tranh nhau mở rộng hệ thống, lựa chọn những vị trí đắc địa trên từng tuyến phố khiến nguồn lực để duy trì "cuộc chiến" này trở thành con số quá lớn với nhiều thương hiệu. Đơn cử Vingroup, với hai thương hiệu sở hữu quy mô chuỗi lớn nhất hiện nay là Vinmart và Vinmart+, đã bỏ vào phân khúc bán lẻ hơn 16.000 tỷ đồng chỉ sau chưa tới 5 năm hoạt động.

Sau sự rút lui của một số tên tuổi, thị trường bán lẻ Việt Nam hình thành hai xu hướng rõ rệt.  Một bên là những chuỗi bán lẻ có tiềm lực, tiếp tục xu hướng mở rộng quy mô, đánh đổi lợi nhuận lấy thị phần. Bên còn lại là những tên tuổi bắt đầu "hụt hơi" trong cuộc đua tranh giành thị phần, bắt đầu thu hẹp hoạt động, không tăng trưởng quy mô hoặc tìm cách rút lui.

Chiến lược hoạt động cũng có sự riêng biệt giữa những chuỗi bán lẻ. Circle K, Mini Stop, GS25 hay 7-Eleven chọn phân khúc thị trường hướng tới bộ phận khách hàng trẻ nhờ mô hình kết hợp bán hàng - thức ăn nhanh, bán những sản phẩm thương hiệu riêng và mở cửa 24/7. Trong khi đó, những chuỗi cửa hàng tiện lợi mang tính truyền thống như Vinmart+, Co.op Smile, Co.op Food, Vissan hướng tới phân khúc thị trường rộng hơn khi bổ sung ngành hàng rau sạch và thực phẩm tươi sống.

Minh Sơn