Cuộc chiến thủy sản sau Brexit và cơ hội lớn cho Việt Nam
Brexit của Anh và khả năng cạnh tranh ngư trường có thể khiến cho thủy sản ở nhiều nước EU trở lên thiếu thốn, và đây là cơ hội cho xuất khẩu thủy sản VN. Chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL. (Ảnh: Thốt nốt) |
Trong lịch sử Liên minh châu Âu, chính sách thủy sản chung là tập hợp các quy tắc khắt khe cho phép 28 quốc gia thuộc khu vực này đánh bắt cá nhưng không được lạm dụng khai thác mà phải chịu áp đặt định mức khai thác dựa trên tư vấn của chuyên gia. Điều này đảm bảo châu Âu luôn có nguồn cung cấp hải sản bền vững và môi trường được đảm bảo.
Sau Brexit có thể là “cuộc chiến” thủy sản?
Khi Brexit diễn ra, các quy tắc về đánh cá chung của EU sẽ không có tác động đến Anh và quốc gia này có thể lấy lại vùng biển trải dài 200 hải lý. Và Anh cũng phải lên kế hoạch cho việc ngăn chặn các tàu cá nhỏ từ các nước trong liên minh châu Âu tiếp cận vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Theo một nghiên cứu được thực hiện vào tháng 1/2016 của trường Đại học Highlands and islands, 32% số lượng cá khai thác được từ vùng biển của nước Anh là của ngư dân nước này. Nên những ngư dân này rất ủng hộ Brexit, với mong muốn lấy lại vùng biển khai thác cá truyền thống.
Việc Anh rời khỏi Brexit khiến cho ngư dân thuộc các quốc gia trong EU lo sợ sẽ mất đi một điểm khai thác bội thu và bản thân nước Anh cũng lo ngại sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn hơn trong vùng biển của mình từ các loại tàu khai thác của EU.
Ví dụ như Ireland, trước đây quốc gia này đánh bắt khoảng 40% hạn ngạch tại vùng biển thuộc nước Anh. Trước tình hình đó, Ireland đã cố gắng tạo ra sự thống nhất với các quốc gia: Tây Ban Nha, Pháp, Đan Mạch, Bỉ, Đức, Hà Lan và Thụy Điển, mà Ireland cho là cũng bị ảnh hương tương tự tới nguồn khai thác cá.
Những quốc gia trên đã vận động ông Michel Barnier, một trong hai nhà đám phán chính của EU với Anh về tầm quan trọng của nghề cá trong cuộc đàm phán Brexit. Một trong những yêu cầu của họ là ngành công nghiệp thủy sản không bị cô lập và coi đây như một phần của cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tư do trong tương lai giữa EU và Anh.
Việc đàm phán về ngành công nghiệp cá giữa EU và Anh phức tạp hơn bao giờ hết bởi lý do, năm 2014, Anh sản xuất được 666 nghìn tấn cá. Trong đó, 166 nghìn tấn là tiêu thụ trong nước, số còn lại Anh xuất sang thị trường EU. Và nhờ tự do đi lại trong khối EU, những người lao động làm việc trong ngành cá ở Anh phần lớn không phải là người Anh.
Trên cơ sở đó, giới phân tích cho rằng, Chính phủ Anh phải thận trọng đàm phán Brexit trong hạn ngạch khai thác mới và ngăn chặn việc tiếp cận đánh cá ở vùng biển của nước này từ các nước khác trong khối EU. Chính phủ Anh biết rằng mình có thể sẽ chịu áp lực cân bằng tiềm năng khai thác và nhu cầu giao thương cá với EU.
Bộ trưởng Bộ Môi trường, Năng lượng và Biển của Pháp tuyên bố: “Brexit là một mối lo lắng to lớn đối với ngành công nghiệp cá của Pháp, Chính phủ Pháp sẽ thúc đẩy nhiều hoạt động để tiếp cận được vùng biển của nước Anh”.
Cơ hội nào cho XK thủy sản VN
EU vốn là một thị trường lớn cho XK mặt hàng thủy sản của VN, đặc biệt là Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp và Bỉ. Năm 2016, XK thuỷ sản sang EU đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Mục tiêu phấn đấu của ngành thuỷ sản năm 2017 XK sang thị trường EU là 1,7 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Giới phân tích dự báo, việc Brexit của Anh và khả năng cạnh tranh ngư trường có thể khiến cho thủy sản ở nhiều nước EU trở lên thiếu thốn, và như vậy nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng lên. Đây chắc chắn sẽ là một cơ hội lớn cho các DN XK thủy sản VN năm 2017, có thể con số sẽ không dừng lại ở con số 1,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Khánh Hồng, phái đoàn VN tại EU, an toàn thực phẩm là vấn đề các nhà xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cần phải giải quyết một cách hiệu quả hơn nếu muốn gia tăng XK vào EU.
“Để gia tăng năng suất xuất khẩu thủy sản, Việt nam cần áp dụng các giải pháp kinh tế và kỹ thuật một cách toàn diện, đồng thời chú ý đến thực thi các quy định nhập khẩu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc”, bà Hồng nhấn mạnh.