|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cục Đường bộ Việt Nam trả lời về đề xuất không cấm xe cỡ lớn đi cao tốc Cam Lộ - La Sơn

03:00 | 03/04/2024
Chia sẻ
Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản phản hồi ý kiến đề xuất của Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế về không cấm xe tải, xe khách cỡ lớn đi cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài hơn 98km, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và các nhà thầu đang khẩn trương lắp đặt bổ sung hệ thống đảm bảm an toàn giao thông, quyết tâm hoàn thành vào cuối tháng 3/2024, góp phần hạn chế các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên tuyến đường này. (Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN).

Liên quan đến đề xuất của đơn vị trên, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, dự án Cam Lộ - La Sơn (tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư) được triển khai từ tháng 9/2019 và cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác từ ngày 31/12/2022. Từ khi được đưa vào khai thác, dự án đã thu hút lượng lớn phương tiện tham gia giao thông, góp phần chia sẻ một phần lưu lượng xe trên Quốc lộ 1.

Tuy nhiên, tuyến đường này chưa thu phí đã thu hút nhiều loại phương tiện, đặc biệt là các xe tải trọng lớn, xe container đã làm mất cân bằng về lưu lượng phương tiện tham gia giao thông và khả năng thông hành của cả 2 tuyến đường.

Theo số liệu đếm xe của đơn vị tư vấn thiết kế và số liệu thu thập tại các trạm thu phí trên Quốc lộ 1, tại điểm đầu tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn có lưu lượng hơn 4.200 xe/ngày đêm, quy đổi gần 10.000 PCU/ngày đêm. Đối chiếu số liệu đếm xe với năng lực thông hành của tuyến cao tốc là 9.200-11.000 PCU và tuyến Quốc lộ 1 là 31.000-33.000 PCU thì tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn đã gần hết năng lực khai thác, còn trên Quốc lộ 1 vẫn chưa hết năng lực, có thể cho phép phân luồng một số xe sang tuyến Quốc lộ 1.

Ngoài ra, điều kiện khai thác tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua phần lớn các vùng đồi núi, có địa hình phức tạp, mưa nhiều, về đêm hay có hiện tượng sương mù, mặt đường ẩm ướt, trơn trượt, tầm nhìn hạn chế. Qua theo dõi trong thời gian 15 tháng kể từ khi đưa tuyến cao tốc này vào khai thác tạm đến nay, với đặc thù quy mô mặt cắt ngang còn hạn chế (2 làn xe), điều kiện địa hình, khí hậu như trên thì xe tải nặng khi đi trên các đoạn đèo dốc thường không đạt được tốc độ tối thiểu theo quy định (thực tế tốc độ chỉ đạt 35-40 km/h so với yêu cầu 60 km/h).

Do tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện tại có quy mô 2 làn xe, khoảng 8 - 10 km mới bố trí 1 điểm tránh vượt xe, việc xe tải nặng leo dốc với tốc độ chậm dẫn đến các xe phía sau phải xếp hàng nối đuôi đã tạo tâm lý ức chế đối với người tham gia giao thông trên tuyến, dễ xảy ra việc vượt xe tự phát tại những vị trí cấm vượt, tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và giảm năng lực thông hành của tuyến.

Đồng thời, do điều kiện địa hình tuyến khó khăn nên các xe tải nặng dễ bị hư hỏng khi tham gia giao thông trên tuyến, kết hợp mặt cắt ngang đường hẹp, khi xe bị hư hỏng hoặc sự cố các xe này thường dừng, đỗ chiếm một phần làn xe chạy dẫn đến nguy cơ tai nạn cho các xe cùng chiều khi lái xe thiếu tập trung quan sát hoặc khi điều kiện thời tiết bất lợi, tầm nhìn bị hạn chế.

"Theo số liệu thống kê, phần lớn các vụ tai nạn trong thời gian qua đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến các xe tải nặng", Cục Đường bộ nhấn mạnh.

Đối với nhóm các xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm như phân tích về điều kiện khai thác nêu trên, trong điều kiện địa hình khó khăn, trên tuyến có nhiều vực sâu, nếu xảy ra tai nạn đối với nhóm đối tượng này sẽ có nguy cơ thương vong rất lớn.

Cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, trong thời gian khai thác tạm vừa qua, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã từng kiến nghị và được Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế ủng hộ việc phân luồng đối với các xe tải nặng >10T không lưu thông trên tuyến cao tốc trong thời gian 4 tháng để thi công điểm sụt trượt Km69+800. Thực tế cho thấy số vụ tai nạn trên Quốc lộ 1 trong thời gian này không tăng đột biến so với những tháng trước đó.

Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, ngày 27/3 vừa qua, Cục đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến phân luồng điều tiết giao thông trên tuyến Cam Lộ - La Sơn với sự tham gia của đại diện của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội vận tải, các cơ quan báo chí..., đa số các ý kiến ủng hộ phương án phân luồng, điều tiết giảm phương tiện vận tải lớn không đi vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn để giảm tải cho tuyến này đã hết năng lực khai thác.

Cục Cảnh sát giao thông đã có văn bản góp ý kiến về phương án phân luồng giao thông dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn; trong đó đã đề nghị phân luồng, điều tiết xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm, xe đầu kéo, xe tải lớn hơn 3 trục không đi vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Cục Đường bộ Việt Nam đã nhất trí với phương án phân luồng khoảng 3.000 PCU sang các tuyến khác, không đi vào tuyến Cam Lộ - La Sơn (tương đương xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm, xe kéo rơ-moóc, xe sơ mi rơ-moóc) đang lưu thông trên tuyến này.

Bộ Giao thông Vận tải hiện đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thực hiện các thủ tục đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe hoàn chỉnh. Nếu được Quốc hội thông qua và cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, dự kiến sẽ cơ bản thi công hoàn thành vào cuối năm 2025. Khi đó sẽ đảm bảo khai thác một cách an toàn cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến, đồng thời giảm tải rất nhiều cho Quốc lộ 1.

Từ phân tích trên, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thừa Thiên Huế ủng hộ, chia sẻ, đồng hành cùng Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị bảo đảm an toàn giao thông trên mạng lưới đường bộ nói chung, nâng cao an toàn giao thông của hệ thống quốc lộ nói riêng, nhất là tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn phân kỳ đầu tư.

Đức Dũng