Cục diện trước thềm đại hội Vinaconex: 'chiêu bài' của An Quý Hưng và Cường Vũ
Nhóm cổ đông mới khiến cục diện tại Vinaconex tỏ ra khó lường
Ngày mai (11/1), Tổng Công Ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - (Mã: VCG) sẽ tiến hành tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường với mục đích cơ cấu lại đội ngũ Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát (BKS)…
Cuối năm 2018, cơ cấu cổ đông Vinaconex “thay máu” hoàn toàn với việc hai cổ đông Nhà nước là SCIC và Viettel thoái vốn, Pyn Elite Fund cũng buộc phải bán toàn bộ lượng cổ phiếu đang nắm giữ do Vinaconex bất ngờ thay đổi về giới hạn tỉ lệ sở hữu với nhà đầu tư nước ngoài.
Ba cái tên mới toanh vào thế chỗ, khiến cục diện mới tại Vinaconex tỏ ra hết sức khó lường.
Cơ cấu cổ đông tại Vinaconex (BM tổng hợp) |
Nhóm cổ đông mới không có quyền ứng cử
Cục diện tại Vinaconex đang tỏ ra khó lường (Ảnh: BM) |
Theo quy chế bầu cử được Vinaconex công bố, toàn bộ thành viên HĐQT, BKS đương nhiệm có ý định từ nhiệm sau khi SCIC và Viettel hoàn tất thoái vốn. Do đó số lượng thành viên HĐQT, BKS được bầu tại đại hội đồng cổ đông bất thường ngày mai (11/1) lần lượt là 7 người và 5 người.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều lệ Vinaconex ngày 17/4/2018, “Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên, trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng mới có quyền ứng cử, đề cử ứng viên HĐQT và BKS". Như vậy, nhóm cổ đông mới như An Quý Hưng, Star Invest sẽ không có quyền ứng cử, đề cử trong đợt đại hội đồng cổ đông này do không đủ thời gian nắm giữ cổ phiếu.
Cho đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 4 thành viên của cổ đông Cường Vũ được Viettel đề cử các vị trí trong HĐQT và BKS theo đề nghị từ phía Cường Vũ.
Hai thành viên HĐQT được đề cử gồm ông Thân Thế Hà - hiện đang là Phó TGĐ Vinaconex, Chủ tịch HĐTV Công ty Phát triển Đô thị mới An Khánh, cùng nhiều công ty trong hệ thống Vinaconex; ông Nguyễn Quang Trung - hiện là TGĐ Công ty Phát triển Đô thị mới An Khánh.
Hai thành viên được đề cử vào HĐQT Vinaconex gồm ông Thân Thế Hà (trái) và ông Nguyễn Quang Trung (phải). |
Hai thành viên BKS đề cử gồm ông Nguyễn Xuân Đại và ông Lê Đình Vinh - hiện là Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink.
Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ được thành lập từ tháng 11/2017 (cùng thời điểm diễn ra phiên đấu giá cổ phần Vinaconex lần 1), vốn điều lệ 20 tỉ đồng. Người đại diện theo pháp luật là ông Vũ Xuân Cường, theo chúng tôi tìm hiểu thì địa chỉ công ty Cường Vũ cũng chính tại nhà riêng của ông Cường.
"Chiêu bài" của Cường Vũ, "kế sách" của An Quý Hưng sẽ ra sao?
Cùng mua cổ phần Vinaconex vào đợt đấu giá 22/11, nhưng Cường Vũ tỏ ra "cao tay" hơn rất nhiều so với An Quý Hưng.
Cụ thể, An Quý Hưng công bố trở thành cổ đông lớn tại Vinaconex ngày 7/12, ngay sau đó đưa được ông Nguyễn Xuân Đông vào ghế Tổng giám đốc.
Star Invest trở thành cổ đông lớn tại Vinaconex ngày 24/12.
Còn Cường Vũ đến ngày 27/12 mới công bố trở thành cổ đông lớn, sau đấu giá hơn một tháng.
Yếu tố gây bất ngờ chính là ngày chốt quyền tham dự đại hội cổ đông, ngày 26/12.
Tại ngày 26/12, Viettel chính là cổ đông lớn duy nhất có quyền đề cử, ứng cử thành viên HĐQT (do nắm cổ phần trên 6 tháng). Cường Vũ đề nghị sử dụng quyền này đối với Viettel để có thể đưa người của mình vào ban điều hành, việc lùi lại ngày trở thành cổ đông lớn bất ngờ tạo lợi thế cho Cường Vũ so với các cổ đông mới khác.
Vậy đối với cổ đông An Quý Hưng và Star Invest, làm sao để có thể đưa người vào HĐQT tại đại hội đồng cổ đông diễn ra ngày mai?
Quy chế ứng cử, đề cử thành viên HĐQT/BKS của Vinaconex có một đoạn như sau: "Trường hợp số lượng ứng viên HĐQT thông qua đề cử, ứng cử vẫn không đủ số lượng cần thiết, HĐQT đương nhiệm có thể đề cử thêm ứng cử viên hoặc tổ chức đề cử theo cơ chế được công ty quy định. Thủ tục HĐQT đương nhiệm giới thiệu ứng viên HĐQT phải rõ ràng và được công bố rõ ràng và được ĐHĐCĐ thông qua trước khi tiến hành đề cử".
Như vậy là An Quý Hưng cũng như Star Invest vẫn sẽ có cách để đưa người vào HĐQT Vinaconex, bằng cách "nhờ" HĐQT đương nhiệm đề cử.
Với việc sở hữu gần 58% vốn điều lệ, An Quý Hưng quyền đề cử tối đa 5 thành viên vào HĐQT, Star Invest đề cử tối đa một thành viên.
Theo quy chế bầu cử tại đại hội Vinaconex lần này, “Người trúng cử thành viên HĐQT/BKS được xác định theo số quyền biểu quyết bầu mà ứng cử viên nhận được tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên nhận được số quyền biểu quyết bầu cao nhất cho đến khi đủ số lượng thành viên HĐQT và số lượng thành viên BKS được ĐHĐCĐ phê duyệt”.
Như vậy, nhóm cổ đông nắm giữ càng nhiều cổ phiếu chính là những người có lợi thế trong việc chiếm ghế HĐQT, theo thứ tự xếp hạng lần lượt là An Quý Hưng, Cường Vũ và ứng viên của Star Invest nếu có nhiều khả năng sẽ bị "bật bãi" do tối đa chỉ có 7 thành viên HĐQT.
Ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch HĐQT Vinaconex hiện tại |
Theo ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch HĐQT Vinaconex đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), quy định cần tối thiểu 6 tháng, cổ đông mới có quyền đề cử, ứng cử cần được thay đổi. Bởi nếu để thời gian dài như vậy, theo ông Chi sẽ có rất nhiều rủi ro và mâu thuẫn phát sinh giữa các cổ đông, ngoài ra vấn đề này có thể cản trở quá trình bán vốn, dẫn đến kém tính hấp dẫn… Cần tạo điều kiện cho các cổ đông mới sớm có thể ngồi vào ghế HĐQT, điều hành doanh nghiệp.
Phía SCIC đang tạo điều kiện để công cuộc chuyển giao cho nhà đầu tư mới có thể tiến hành sớm nhất có thể. Nhận định về tình hình tại đại hội đồng cổ đông (ngày 11/1) của Vinaconex, ông Chi tỏ ra băn khoăn: “Sợ là sẽ không hòa hợp được giữa các nhà đầu tư”.
Một ví dụ khác cho thấy độ bất cập của quy định nói trên, phải đợi hơn 8 tháng, ThaiBev mới có thể đưa người vào HĐQT và ban điều hành Sabeco khiến cho quá trình cải tổ của người Thái tại doanh nghiệp này diễn ra chậm chạp.