|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cuba chính thức gia nhập Ngân hàng Hội nhập kinh tế Trung Mỹ

11:39 | 29/08/2017
Chia sẻ
Chủ tịch Ngân hàng trung ương Cuba và Chủ tịch Ngân hàng Hội nhập kinh tế Trung Mỹ ký thỏa thuận đưa đảo quốc Caribe gia nhập thể chế tài chính cấp khu vực này.

cuba chinh thuc gia nhap ngan hang hoi nhap kinh te trung my

Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Theo tin từ La Habana, Chủ tịch Ngân hàng trung ương Cuba Irma Martínez Castrillón và Chủ tịch Ngân hàng Hội nhập kinh tế Trung Mỹ (BCIE) ngày 28/8 đã ký thỏa thuận đưa đảo quốc Caribe gia nhập thể chế tài chính cấp khu vực này.

Theo báo chí chính thức Cuba, văn bản kết nạp Cuba vào thỏa ước thành lập của BCIE sẽ đưa La Habana trở thành một đối tác ngoài khu vực của thể chế này, cho phép “hòn đảo tự do” được tiếp cận các nguồn tài chính mới cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập.

BCIE ra đời năm 1960 với các thành viên sáng lập gồm Guatemala, El Salvador, Honduras, Nicaragua và Costa Rica. Các nước Panama và Belize gia nhập sau đó.

Trước Cuba, ngân hàng này đã kết nạp sáu thành viên ngoài khu vực khác là Cộng hòa Dominica, Mexico, vùng lãnh thổ Đài Loan, Argentina, Colombia và Tây Ban Nha.

Mặc dù có quy mô tương đối khiêm tốn so với những thể chế tài chính khu vực khác có cùng chức năng, BCIE được đánh giá là có đóng góp có ý nghĩa vào sự phát triển của các nước thành viên.

Với khoảng 24 tỷ USD tín dụng đã cấp, BCIE là thể chế đa phương có sự hiện diện rộng rãi nhất tại Trung Mỹ, đóng góp tới 50% nguồn vốn vay ưu đãi từ nước ngoài cho khu vực, và vượt qua cả hai thể chế lớn là Ngân hàng Phát triển liên Mỹ và Ngân hàng Thế giới.

Báo chí Cuba nhận định đặc điểm tín dụng của BCIE cũng phù hợp với các ưu tiên của Chính phủ Cuba. Trước hết, 79% tín dụng của ngân hàng này được cấp cho lĩnh vực kinh tế công, trong khi về lĩnh vực hoạt động, 50% tín dụng được cấp cho các dự án hạ tầng sản xuất và năng lượng và 29% cho hạ tầng xã hội. Thỏa thuận, được ký dưới sự chứng kiến của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cuba Ricardo Cabrisas Ruiz, cũng được nhận định là cột mốc khởi đầu cho quá trình tái hội nhập của La Habana vào các thể chế tài chính quốc tế.