|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cửa sáng cho Đạm Cà Mau khi nhà máy NPK công suất 300.000 tấn/năm sắp đi vào hoạt động

07:48 | 23/11/2020
Chia sẻ
Theo FPTS, nhà máy NPK của Đạm Cà Mau có khả năng hoạt động từ 50 - 70% công suất thiết kế giai đoạn 2021 - 2025. Với giá phân NPK nội địa tương đối ổn định, mảng NPK dự kiến đóng góp 1.129 tỉ đồng doanh thu năm 2025, chiếm 15% tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Mảng urê tăng trưởng ổn định, đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường châu Á

CTCP Chứng khoán FPT (FTPS) vừa đưa ra báo báo triển vọng tích cực về hiệu suất hoạt động của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM) trong giai đoạn 2020 - 2024.

Với sản phẩm kinh doanh chủ lực của Đạm Cà Mau là urê hạt đục (chiếm 78% tổng doanh thu và 77% lợi nhuận gộp năm 2019), FPTS dự báo tiêu thụ phân urê nội địa tăng trưởng ổn định 1% mỗi năm trong giai đoạn 2020 – 2024 sẽ thúc đẩy doanh số bán urê của Đạm Cà Mau.

Theo FPTS tổng hợp, Đạm Cà Mau đang là doanh nghiệp có thị phần tiêu thụ phân urê lớn thứ hai Việt Nam, chỉ sau Đạm Phú Mỹ. Tại thị trường nội địa, tiêu thụ phân urê của Đạm Cà Mau năm 2019 chiếm 28,6% tổng lượng tiêu thụ cả nước, chỉ sau DPM với thị phần 29,7%. 

Việc tập trung vào thị trường lớn Tây Nam Bộ và các khu vực lân cận giúp cho Đạm Cà Mau tiết giảm chi phí bán hàng, chi phí quản lí hệ thống đại lí.

Thị trường tiêu thụ phân urê của Đạm Cà Mau chủ yếu là thị trường nội địa, chiếm 80% tổng doanh thu, thị trường xuất khẩu chiếm 20% tổng doanh thu.

Mặc dù vậy, doanh thu từ xuất khẩu phân urê tăng trưởng nhanh trong 5 năm trở lại đây, từ 5% năm 2015 lên 20% tổng doanh thu năm 2019 với các thị trường xuất khẩu như Campuchia, Ấn Độ, Srilanka và một số nước Châu Á khác.

Cửa sáng cho Đạm Cà Mau khi nhà máy NPK công suất 300.000 tấn/năm sắp đi vào hoạt động - Ảnh 1.

Nguồn: FPTS

Hiện tại, Đạm Cà Mau là doanh nghiệp xuất khẩu phân Urê lớn nhất cả nước. Trong ba quí đầu năm 2020, lượng xuất khẩu phân Urê tăng mạnh. Đặc biệt là quí III, Đạm Cà Mau đã xuất khẩu xấp xỉ 200.000 tấn phân Urê, tăng 60% so với cùng kì năm trước trong đó Campuchia là thị trường xuất khẩu chính.

Với lợi thế gần vùng tiêu thụ, vọng Đạm Cà Mau duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định tại thị trường khu vực châu Á trong những năm tới. Ngoài Campuchia, Đạm Cà Mau đang tích cực mở rộng thị trường ra các nước Nam Á khác như Ấn Độ, Thái Lan, Srilanka,… chiếm khoảng 45% tổng lượng xuất khẩu năm 2019.

Đi vào hoạt động từ năm 2012, nhà máy urê Cà Mau (công suất thiết kế 800.000 tấn/năm) đã bước vào năm thứ 9 hoạt động ổn định thậm chí vượt công suất thiết kế. Theo đó, lượng tiêu thụ phân urê trung bình hàng năm đạt khoảng 814.000 tấn, tương ứng 102% công suất thiết kế.

FPTS cho rằng, với việc gia tăng hiệu suất hoạt động từ 110% lên 115,6% công suất thiết kế trong năm 2021, sản lượng phân urê có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu của Đạm Cà Mau.

Cửa sáng cho Đạm Cà Mau khi nhà máy NPK công suất 300.000 tấn/năm sắp đi vào hoạt động - Ảnh 2.

Nguồn: FPTS

Liên quan đến nguyên liệu đầu vào, FPTS kì vọng Đạm Cà Mau được hưởng mức giá khí giảm 24,9% trong cả năm 2020 so với năm trước đó do giá dầu đã giảm mạnh trong nửa đầu năm. Với giá khí đầu vào (đã có VAT) là 4,5 USD/MMBTU, biên lợi nhuận gộp của Đạm Cà Mau có thể cải thiện đáng kể từ 13,6% năm 2019 lên mức 17,6% năm 2020.

Mảng NPK là động lực tăng trưởng cho Đạm Cà Mau trong giai đoạn tới

Tháng 5 vừa qua, nhà máy NPK công nghệ urê hóa lỏng của Đạm Cà Mau với công suất thiết kế 300.000 tấn/năm (khởi công xây dựng vào tháng 11/2017 với tổng vốn đầu tư là 772 tỉ đồng) đã được đưa vào chạy thử, chuẩn bị những khâu cuối cùng để đưa nhà máy vào vận hành thương mại. Theo FPTS, nhà máy dự kến chính thức đi vào hoạt động từ quí I/2021.

Sản phẩm NPK với công nghệ urê hóa lỏng của Đạm Cà Mau dự kiến được phân phối chủ yếu tại khu vực Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, đây là những thị trường Đạm Cà Mau đã thâm nhập từ các năm trước. 

Theo FPTS tổng hợp từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phân NPK đang là loại phân bón được tiêu thụ nhiều nhất, chiếm 35,5% tổng lượng tiêu thụ cả nước. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu phân NPK giai đoạn 2000 – 2019 đạt 7,2%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn ngành phân bón Việt Nam (khoảng 3,6%/năm).

Cửa sáng cho Đạm Cà Mau khi nhà máy NPK công suất 300.000 tấn/năm sắp đi vào hoạt động - Ảnh 3.

Nguồn: FPTS

Cả nước có hơn 800 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân NPK, trong đó các doanh nghiệp đầu ngành như BFC, LAS cũng chỉ chiếm 15 - 17% thị phần cả nước, doanh nghiệp nhỏ lẻ chiếm hơn 30% thị phần. Điều này khiến thị trường nội địa đang dư thừa các sản phẩm chất lượng thấp nhưng lại thiếu hụt một lượng lớn sản phẩm NPK cao cấp.

Chất lượng nguồn cung nội địa chưa đảm bảo khiến Việt Nam hiện phải nhập khẩu từ 400 - 500 nghìn tấn phân NPK chất lượng cao (chiếm 11% - 13% tổng nhu cầu tiêu thụ).

Do đó, FPTS nhận định chiến lược gia nhập thị trường từ sớm của Đạm Cà Mau sẽ là động lực tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cho công ty trong những năm tới.

Về thị trường xuất khẩu, Đạm Cà Mau cũng đã triển khai chiến lược marketing tại thị trường Campuchia. Hiện nhập khẩu NPK của Campuchia đang tăng trưởng với tốc độ 10,4%/năm trong giai đoạn 2007 - 2018. Với lợi thế về vị trí địa lí giáp Việt Nam, đây vẫn là thị trường xuất khẩu NPK tiềm năng cho Đạm Cà Mau.

Về nguyên liệu đầu vào sản xuất phân NPK của Đạm Cà Mau gồm có phân urê hạt đục tự sản xuất, phân DAP và Kali mua ngoài hoặc nhập khẩu.

Hiện giá phân DAP thế giới đang phục hồi trở lại do nhu cầu tiêu thụ gia tăng, trong khi giá phân kali giảm đáng kể do dư thừa công suất. Điều này sẽ giúp cân bằng chi phí nguyên liệu sản xuất phân NPK khi nhà máy NPK đi vào hoạt động chính thức.

Tuy nhiên, Đạm Cà Mau đang phải chịu tác động tiêu cực từ thuế tự vệ phân DAP, MAP nhập khẩu vào Việt Nam. Ngày 3/3/2020, Bộ Công Thương ra quyết định gia hạn thuế tự vệ đối với các loại phân bón trên khi nhập khẩu vào Việt Nam. 

Theo đó, Đạm Cà Mau tiếp tục chịu mức thuế nhập khẩu hơn 1 triệu đồng/tấn DAP (xấp xỉ 9% giá trị sản phẩm) đến tháng 9/2022 nếu chính sách thuế này không tiếp tục gia hạn.

Cửa sáng cho Đạm Cà Mau khi nhà máy NPK công suất 300.000 tấn/năm sắp đi vào hoạt động - Ảnh 4.

Nguồn: FPTS

FPTS dự phóng nhà máy NPK của Đạm Cà Mau có khả năng hoạt động từ 50 – 70% công suất thiết kế từ 2021 – 2025. Lượng tiêu thụ phân NPK năm 2021 dự kiến đạt 102.000 tấn và kì vọng tăng trưởng 7,2%/năm trong 5 năm tiếp theo. 

Với giá phân NPK nội địa tương đối ổn định, dự phóng tăng nhẹ 0,5%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025, mảng NPK dự kiến đóng góp 1.129 tỉ đồng doanh thu năm 2025 (chiếm 15% tổng doanh thu).

Kì vọng hưởng lợi từ chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón từ năm 2021

Ngày 28/10/2020, Thủ tướng Chính phủ kí ban hành Nghị quyết số 159/NQ-CP thông qua hồ sơ trình Quốc hội về Dự án Nghị quyết thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón. Theo đó, mặt hàng phân bón có thể được chuyển từ diện không chịu thuế GTGT sang chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. 

Nghị quyết nếu được thông qua sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Như vậy, từ năm 2021, các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, phần thuế GTGT đầu vào được tách ra, làm giảm giá vốn hàng bán, tăng biên lợi nhuận gộp cho các doanh nghiệp.

Theo đó, Đạm Cà Mau là một trong số các doanh nghiệp hưởng lợi nhất ngành khi tiết giảm được 2,3 – 2,5% chi phí giá vốn, tương ứng với 80 – 150 tỉ đồng. 

Ngoài chi phí khí thiên nhiên, chi phí điện, nước, dịch vụ mua ngoài cũng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào với thuế suất 10%. Khoản chênh lệch thuế GTGT đầu ra (thuế suất 5%) với thuế GTGT đầu vào được khấu trừ sẽ giúp Đạm Cà Mau giảm trừ đáng kể chi phí thuế GTGT phải nộp hàng năm.

Thông tin thêm, liên quan đến tính hình vay nợ xây dựng nhà máy Đạm Cà Mau, năm 2013, các khoản nợ dài hạn phát sinh trong quá trình xây dựng nhà máy hết thời gian ân hạn, tạo áp lực chi phí tài chính lớn cho Đạm Cà Mau

Sau 7 năm trả nợ, tỉ trọng nợ vay ngắn và dài hạn/tổng tài sản chỉ còn 17,5%, thấp hơn nhiều so với mức 70% năm 2013. FPTS dự kiến Đạm Cà Mau sẽ trả hết nợ vay của nhà máy vào năm 2021, theo đó, chi phí lãi vay cũng giảm mạnh, tạo điều kiện gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Thu Thủy