|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cứ làm ăn manh mún, rời rạc, doanh nghiệp Việt... khó sống

08:18 | 08/10/2017
Chia sẻ
Khi phần lớn doanh nghiệp là nhỏ, để có thể tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm phải có sự liên kết chặt chẽ 3 nhà quản lý, sản xuất và doanh nghiệp.

Tại Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập” do Bộ Công Thương tổ chức cuối tuần qua, đại diện các nhà quản lý, nhiều doanh nghiệp đều có chung nhận định rằng, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thiếu tính liên kết, cùng với hàng loạt khó khăn về vốn, công nghệ và trình độ quản lý… thì việc tham gia chuỗi cung ứng và hội nhập kinh tế thế giới thực sự là một trở ngại lớn.

Theo bà Lê Thị Mai Linh, Phó Giám đốc Tập đoàn Centar Group, với yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các sản phẩm của doanh nghiệp khi tham gia vào hệ thống phân phối lớn như Big C, hay Saigon Co.op, yếu tố quan trọng nhất là phải đáp ứng được những yêu cầu về chất lượng, quy chuẩn, nguồn gốc.

Bà Linh cho rằng, trong xu hướng hiện nay, doanh nghiệp và nhà sản xuất đều phải chủ động tìm đến nhau và cùng thảo luận để có thể tạo được một chuỗi liên kết khép kín, bền chặt. “Big C đã và đang chủ động đến từng địa bàn kết nối với từng nhà sản xuất, chỉ khi kết nối chúng ta mới tạo sức mạnh tổng hợp, còn nếu không kết nối, rời rạc, manh mún là khó sống”, bà Linh nhận định.

cu lam an manh mun roi rac doanh nghiep viet kho song

Đại diện nhiều doanh nghiệp chia sẻ khó khăn khi tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm.

Đại diện 1 doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng nông sản cũng cho hay, liên kết trong chuỗi cung ứng cần phải được thiết lập theo một cách khác so với hiện nay. Khác với việc doanh nghiệp quyết định đầu ra và giá cả, ở nhiều quốc gia trong khu vực, hàng hóa nông sản cần phải được đấu giá, đưa lên sàn giao dịch nông sản để quyết định, làm sao để người nông dân có thể bán được sản phẩm với giá có lợi nhất.

“Đến kỳ thu hoạch nông sản, người nông dân chỉ việc chờ doanh nghiệp đến thu mua và đưa đến nơi tiêu thụ. Người nông dân không phải lo là sẽ bán hàng ở đâu, tiêu thụ ra sao, không có chuyện tồn ứ và rớt giá nông sản”, vị này nói.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, để có thể tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập, điều quan trọng là phải có sự liên kết chặt chẽ 3 nhà (nhà quản lý, nhà sản xuất và nhà doanh nghiệp), trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp nhỏ.

Có 1 thực tế hiện nay là không phải doanh nghiệp thiếu nỗ lực, cố gắng để tìm cách kết nối với nhà sản xuất, với nông dân, khó ở chỗ là phần lớn người nông dân vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên chưa đáp ứng được các yêu cầu về quy chuẩn an toàn, sạch, nguồn gốc xuất xứ nên hàng hóa sẽ rất khó bán được với giá cao và khó tiêu thụ.

Chính vì thế, điều quan trọng hiện nay là cả doanh nghiệp và nhà sản xuất đều phải chủ động tìm đến nhau, thay đổi tâm thế bị động chờ đợi. Khi đã chủ động gặp gỡ nhau, hai bên sẽ cùng có sự trao đổi, thỏa thuận để đi đến những ký kết và cùng hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm. Phía doanh nghiệp sẽ cam kết đảm bảo đầu ra ổn định với giá hợp lý, còn phía nhà sản xuất cũng cần phải có sự cam kết là bán hàng cho doanh nghiệp theo đúng hợp đồng đã ký kết.

Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Trứng sạch Ba Huân cho rằng, điều mà doanh nghiệp luôn coi trọng đó là chữ tín. Khi đã tin tưởng cùng hợp tác, chắc chắn sẽ có sự bền vững lâu dài. Doanh nghiệp phải luôn giữ chữ tín với nhà sản xuất bằng việc giữ đúng cam kết và không bao giờ để nhà sản xuất, bà con nông dân chịu thiệt.

“Nếu giá trứng gia cầm trên thị trường xuống thấp, doanh nghiệp sẽ có sự hỗ trợ về giá để làm sao giá thu mua từ bà con với giá tốt nhất, bà con sẽ không bị lỗ bất kỳ một khoản nào trong chi phí đầu vào. Chính vì đặt niềm tin vào doanh nghiệp nên trong giao dịch, làm việc bà con sẽ không bỏ qua cam kết với doanh nghiệp để bán hàng cho thương lái”, ông Hùng chia sẻ.

Đánh giá thấp hạ tầng thương mại hiện nay là trở ngại cho việc tiêu thụ sản phẩm và tiếp cận chuỗi cung ứng, bà Trần Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, ngoài hạ tầng thương mại, sàn đấu giá… phương án kinh doanh, định hướng chiến lược của doanh nghiệp Việt vẫn còn mờ nhạt, tư duy tùy tiện..

Chính vì vậy, theo bà Lan, các doanh nghiệp trong nước khi muốn tiếp cận chuỗi cung ứng cần phải học hỏi cách thức của các doanh nghiệp nước ngoài thực tế đã tiến hành tại thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, người nông dân, các nhà sản xuất và các doanh nghiệp muốn giải được bài toán tiêu thụ nông sản, phát triển chuỗi cung ứng, chưa kể đưa hàng ra phân phối nước ngoài rất cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng thương mại. Chính vì thế, việc thiết lập một chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập là điều vô cùng cần thiết hơn lúc nào hết trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay./.

Nguyễn Quỳnh