|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cú 'knock-out' vào smartphone Trung Quốc tại Việt Nam

07:40 | 27/05/2019
Chia sẻ
Thông tin Google, Intel, Qualcomm, Broadcom… tuyên bố ngưng quan hệ làm ăn với Huawei (Trung Quốc) liệu có làm các thương hiệu smartphone Trung Quốc tại Việt Nam bị ảnh hưởng?
Cú knock-out vào smartphone Trung Quốc tại Việt Nam - Ảnh 1.

Các thương hiệu smartphone Trung Quốc như Huawei được dự báo chịu tác động mạnh.

Smartphone Trung Quốc "run rẩy"

Nằm trong top 5 thương hiệu smartphone lớn nhất thế giới có 3 thương hiệu đến từ Trung Quốc là Huawei, OPPO, Xiaomi, cạnh tranh quyết liệt với Samsung và Apple.

Trên thị trường toàn cầu, năm 2018, Huawei bán ra 206 triệu chiếc, chiếm 14,7% thị phần, đứng thứ 2 thế giới về tiêu thụ smartphone. Xiaomi đứng thứ 4 khi bán được hơn 122 triệu chiếc, chiếm 8,7% thị phần. Đứng thứ 5 là OPPO chiếm 8,1% thị phần khi bán ra hơn 113 triệu chiếc. Cả 3 thương hiệu đến từ Trung Quốc chiếm 31,5% thị phần smartphone toàn cầu.

Còn tại Việt Nam, 3 thương hiệu trên chiếm 36% thị phần smartphone. Nếu tính các thương hiệu khác của Trung Quốc đang bán ở Việt Nam như Lenovo, Vivo... con số thị phần smartphone Trung Quốc tại Việt Nam còn lớn hơn nhiều.

Điểm chung của các sản phẩm smartphone Trung Quốc bán ra ngoài thị trường Trung Quốc là đều sử dụng hệ điều hành Androi, hệ sinh thái cho smartphone phần lớn đến từ Mỹ. Chính vì vậy, “lệnh cấm vận” của Google, Intel, Qualcomm, Broadcom… đối với Huawei không chỉ giáng một đòn “knock-out”, mà còn khiến Xiaomi, OPPO, Lenovo vô cùng lo lắng nếu họ nối gót Huawei bị doanh nghiệp Mỹ ngừng làm ăn. Ai dám khẳng định, chính quyền Donald Trump sẽ không áp một lệnh cấm tương tự lên một hãng điện tử nào khác từ Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Huy Tân, đại diện Hệ thống CellphoneS, hiện CellphoneS đang làm việc chặt chẽ với phía Hãng để đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Do thông tin mới ra nên còn khá sớm để đánh giá về xu hướng thị trường. Hiện tại, chưa có kế hoạch nào giữa CellphoneS và Huawei trong việc giảm giá hay xả hàng.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch Công ty NBN Media, khả năng Huawei rơi vào khó khăn nếu căng thẳng tiếp tục bởi cơ cấu doanh thu của Huawei là 50% bán hàng cho người tiêu dùng, 40% bán thiết bị và công nghệ cho nhà mạng, chỉ có 10% doanh thu khác cho doanh nghiệp. Do đó, nếu bị mất 50% doanh thu ở phần người tiêu dùng và ảnh hưởng 40% doanh thu ở nhà mạng, thì sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn cho Huawei.

Huawei trấn an người dùng

Trong thông cáo gửi tới báo giới, Huawei khẳng định, Huawei sẽ tiếp tục cung cấp các bản cập nhật bảo mật và dịch vụ hậu mãi cho tất cả các sản phẩm điện thoại thông minh và máy tính bảng Huawei và Honor hiện có, bao gồm những sản phẩm đã được bán hoặc vẫn còn tồn kho trên toàn cầu.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng một hệ sinh thái phần mềm an toàn và bền vững, nhằm cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho tất cả người dùng trên toàn cầu”, thông cáo của Huawei viết.

Ông Nhiệm Chính Phi, nhà sáng lập của Huawei đã nói rằng, Chính phủ Mỹ đang đánh giá quá thấp các khả năng của Huawei và Huawei tiếp tục phát triển các linh kiện của riêng mình để giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung ứng nước ngoài.

Ai sẽ hưởng lợi từ “lệnh trừng phạt Huawei”?

Đó chính là câu hỏi được đặt ra và tất nhiên Apple là cái tên được nhắc đến đầu tiên. Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc trả đũa bằng cách tẩy chay iPhone tại thị trường Trung Quốc, nơi Apple đang có tới 20% lợi nhuận của toàn cầu.

Apple đứng thứ 5 tại Trung Quốc với 9,1% thị phần smartphone trong năm 2018. Ngay sau khi Canada bắt giữ Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của Huawei, làn sóng phản đối Apple tại Trung Quốc cũng đã gia tăng. Tới quý I/2019, thị phần của Apple chỉ còn 7%, theo số liệu của hãng Counterpoint. Trong quý I/2019, doanh số iPhone tại Trung Quốc đã giảm khoảng 30%, chỉ còn 6,5 triệu máy. Nếu căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, con số này sẽ còn suy giảm hơn nữa. Người thiệt hại lúc này không chỉ là Huawei, mà còn cả Apple.

Chưa kể đến việc mỗi năm công ty gia công Foxconn tại Trung Quốc xuất xưởng 150 triệu chiếc iPhone, 20 triệu iPad cùng các thiết bị điện tử khác cho Apple.

“Phần lớn các sản phẩm phần cứng của Apple bao gồm iPhone, iPad, Watch và Mac được lắp ráp, nhập khẩu từ Trung Quốc, rủi ro chịu thuế nhập khẩu khá lớn”, Peter Sankar, nhà phân tích tại Cowen nhận định.

Nhưng nhìn về dài hạn, nếu Apple vượt qua được, họ sẽ loại bỏ được đối thủ rất lớn của mình và cuộc đua tam mã trong dòng smartphone cao cấp “ăn tiền” nhất thế giới sẽ chỉ còn là song mã giữa Apple và Samsung.

Trong khi đó, người được lợi lớn nhất chắc chắn là Samsung. Samsung sẽ trở thành bá chủ trong làng smartphone khi thay thế Huawei lấp chỗ trống ở tất cả các phân khúc sao cấp, trung cấp và bình dân. Sân chơi smartphone trung cấp và bình dân rất có thể sẽ thuộc về Samsung, họ sẽ cạnh tranh với chính những đối thủ đến từ Trung Quốc như OPPO, Xiaomi, Lenovo… vốn đã yếu thế sau căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Các thương hiệu như OPPO, Xiaomi hiện không có đủ tiềm lực để tự thiết kế chip hay để phát triển mạnh AI, như những gì Huawei đã làm.

Nới lỏng một số hạn chế đối với Huawei trong 3 tháng

Ngay sau khi Google ngừng giao dịch với Huawei, Chính phủ Mỹ đã nới lỏng một số hạn chế đối với Huawei trong 3 tháng nhằm giảm các tác động không mong muốn. Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ sẽ cho phép Huawei được mua hàng hóa do Mỹ sản xuất để duy trì hoạt động cho các nhà mạng hiện tại. Công ty Trung Quốc cũng được phép tiếp cận mảng phần mềm nhằm cung cấp các bản cập nhật cho thiết bị cầm tay hiện nay của Huawei. Việc nới lỏng lệnh cấm trên có hiệu lực trong 90 ngày.

Hữu Tuấn