|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cú đấm kép khiến chứng khoán Nhật Bản đỏ lửa ngay phiên đầu tuần

14:48 | 30/09/2024
Chia sẻ
Chứng khoán Nhật Bản chịu áp lực từ nỗi lo ngân hàng trung ương tăng lãi suất và bị ảnh hưởng tiêu cực bởi diễn biến khả quan của thị trường Trung Quốc.

(Hình minh họa: iStock). 

Lo ngại BoJ

Trong phiên giao dịch ngày 30/9, chỉ số Nikkei 225 đã giảm 4,8% xuống còn 37.915,55 điểm sau khi Nhật Bản công bố một số dữ liệu kinh tế không quá tích cực và nhà đầu tư phản ứng với thông tin về thủ tướng mới.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba đã đánh bại Bộ trưởng An ninh Kinh tế Sanae Takaichi trong vòng bầu cử cuối cùng của đảng cầm quyền Nhật Bản vào ngày 27/9, đồng nghĩa ông sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của xứ sở hoa anh đào. Thông tin này khiến đồng yen trải qua biến động mạnh ngay phiên 27/9.

Ông Ryota Abe, nhà kinh tế tại bộ phận thị trường toàn cầu của Sumitomo Mitsui Banking, giải thích sự thất bại của bà Takaichi đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương Nhật Bản “sẽ không gặp bất kỳ rào cản chính trị nào trong việc tăng lãi suất”.

Lãi suất tăng thường củng cố của đồng yen và gia tăng áp lực lên chứng khoán Nhật Bản, bởi thị trường này chịu sự ảnh hưởng lớn của các công ty xuất khẩu. Đồng yen mạnh mẽ sẽ làm giảm sức cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Nhật Bản.

 

Trong phiên giao dịch sớm ngày 27/9, đồng yen có lúc suy yếu so với đồng USD khi bà Takaichi chiến thắng vòng bỏ phiếu đầu tiên. Tuy nhiên sau đó, đồng nội tệ của Nhật Bản đã quay đầu tăng khi ông Ishiba đảo ngược tình thế, CNBC cho hay. 

Nhà kinh tế Abe lưu ý đồng yen đảo chiều là do “hầu hết mọi nhà giao dịch” bao gồm SMBC và các nhà phân tích chính trị khác đã kỳ vọng bà Takaichi thắng lợi trong vòng bỏ phiếu cuối cùng. Bà Taikaichi là người ủng hộ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) hạ lãi suất.

Ông Steven Glass, Giám đốc điều hành tại Pella Funds Management, lại có quan điểm khác. Theo ông, lạm phát tại Nhật Bản chủ yếu vẫn “được nhập khẩu” từ nước ngoài vào nhờ đồng yen yếu.

Do đó, việc BoJ tăng lãi suất sẽ là điều “không hợp lý”. Ông Glass cũng cho rằng việc ông Ishiba trở thành thủ tướng thực chất sẽ làm tăng khả năng BoJ không tăng lãi suất.

Doanh số bán lẻ tháng 8 của Nhật Bản đi lên 2,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn ước tính của các nhà kinh tế do Reuters khảo sát và cũng khả quan hơn mức tăng 2,7% trong tháng 7.

Mặt khác, sản lượng công nghiệp tháng 8 của Nhật Bản giảm 4,9% so với một năm trước, trầm trọng hơn mức giảm 0,4% ghi nhận vào tháng 7. Còn khi so với tháng trước, sản lượng công nghiệp tháng 8 sụt 3,3%, tệ hơn nhiều dự đoán theo khảo sát của Reuters.

Áp lực từ thị trường Trung Quốc

Sự suy yếu của chỉ số Nikkei 225 diễn ra vào lúc thị trường chứng khoán Trung Quốc đang trên đà tăng mạnh. Hôm 27/9, chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đại lục ghi nhận tuần tích cực nhất kể từ năm 2008, chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng đánh dấu mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ năm 1998.

Tới ngày 30/9, CSI 300 đóng cửa tăng 8,5%, dẫn dắt đà tăng của chứng khoán châu Á. Dữ liệu chính thức cho thấy lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã thu hẹp vào tháng 9, nhưng tin tốt là mức giảm thấp hơn ước tính của các nhà kinh tế.

Bà Britney Lam, nhà quản lý danh mục từ Magellan Capital, cho biết thị trường Nhật Bản được cho là đi ngược so với Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là khi thị trường Trung Quốc diễn biến tiêu cực thì thị trường Nhật Bản sẽ diễn biến tích cực.

Bà nói tiếp: “Giờ đây, với gói kích thích kinh tế của Trung Quốc và tâm lý nhà đầu tư đảo chiều, thị trường Nhật Bản sẽ chịu áp lực”.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã công bố một loạt biện pháp kích thích kinh tế trong tuần vừa qua, bao gồm giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng và hạ lãi suất chính sách ngắn hạn.

Hôm 30/9, PBoC đã công bố kế hoạch giảm lãi suất vay thế chấp mua nhà mà các quan chức tiết lộ vào tuần trước. Dự kiến kế hoạch sẽ có hiệu lực từ cuối tháng 10.

Giang