Cứ 7 chiếc iPhone thì có 1 chiếc được sản xuất tại Ấn Độ
Bloomberg cho hay trong năm tài chính vừa qua, Apple đã lắp ráp 14 tỷ USD iPhone tại Ấn Độ, sản lượng tăng gấp đôi cho thấy họ đang đẩy nhanh việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc.
Theo những người quen thuộc với vấn đề này, gã khổng lồ công nghệ Mỹ hiện đang sản xuất tới 14% hoặc cứ 7 chiếc iPhone thì lại có một chiếc được xuất xưởng tại Ấn Độ. Nguồn tin từ chối công khai danh tính vì những thông tin này chưa được công bố rộng rãi.
Sự gia tăng sản xuất cho thấy Apple đang đẩy nhanh nỗ lực giảm phụ thuộc lâu dài vào Trung Quốc khi căng thẳng địa chính trị leo thang. Trung Quốc vẫn là trung tâm sản xuất iPhone lớn nhất và thị trường nước ngoài quan trọng nhất của Apple. Tuy nhiên, đây cũng là nơi doanh thu của Apple đang giảm mạnh do sự cạnh tranh của các đối thủ đang lên như Huawei và lệnh cấm mở rộng đối với việc sử dụng công nghệ nước ngoài trong môi trường làm việc.
Sự gia tăng mạnh mẽ hoạt động sản xuất tại Ấn Độ đánh dấu một chiến thắng cho chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi, người đã ban hành các ưu đãi tài chính cho các công ty nước ngoài, bao gồm cả Apple, để thu hút ngành sản xuất cao cấp. Chính phủ Ấn Độ cho biết sự phát triển của ngành sản xuất đã tạo ra 150.000 việc làm trực tiếp tại các nhà cung cấp của Apple.
Bộ trưởng Công nghệ Ashwini Vaishnaw nói với Bloomberg: "Các chính sách của Chính phủ đã giúp các công ty như Apple mở rộng sản xuất tại Ấn Độ. Chúng tôi sẽ tận dụng đà phát triển này và cam kết thực hiện một chế độ chính sách ổn định và minh bạch, biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất đáng tin cậy trên toàn cầu”.
Theo những người quen thuộc với vấn đề, trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024, Foxconn đã lắp ráp gần 67% và Pegatron Corp khoảng 17% iPhone sản xuất tại Ấn Độ. Số iPhone còn lại được sản xuất tại nhà máy của Wistron ở bang Karnataka, miền nam, nơi mà tập đoàn Tata đa ngành (kinh doanh từ muối đến phần mềm) đã tiếp quản vào năm ngoái. Tata có kế hoạch xây dựng một trong những nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất Ấn Độ.
Lưu ý rằng con số 14 tỷ USD là giá trị ước tính của các thiết bị Apple khi chúng rời khỏi nhà máy, không phải giá bán lẻ. Đại diện của Apple từ chối bình luận.
Giám đốc điều hành Apple, Tim Cook, đã rất cẩn trọng trong việc xây dựng mối quan hệ với các lãnh đạo Trung Quốc, do tính nhạy cảm của việc đa dạng hóa địa lý của công ty. Tháng trước, ông đã đến thăm Trung Quốc để gặp gỡ Bộ trưởng Thương mại nước này và khai trương một cửa hàng mới tại Thượng Hải.
Sự dịch chuyển dần dần ra khỏi Trung Quốc trong dài hạn đánh dấu một bước ngoặt quan trọng so với mô hình hoạt động nhiều năm qua, mô hình đã giúp đưa iPhone lên vị trí hàng đầu trong ngành. Nó cũng phù hợp với việc đánh giá lại chiến lược, khi Apple đang tìm kiếm thành công tiếp theo.
Nhìn rộng hơn, sự phát triển của Apple tại Ấn Độ thể hiện sự vươn lên của quốc gia này như một trung tâm sản xuất, nơi các công ty như Tesla, Cisco Systems và Google của Alphabet mong muốn sản xuất phần cứng.
Các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, bao gồm Steven Tseng, đã viết trong một báo cáo vào tháng 2 khi theo dõi sự dịch chuyển chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu: "Thế giới thay đổi đã định hình lại các ưu tiên kinh doanh, với rủi ro địa chính trị, khả năng phục hồi trước sự gián đoạn và các yêu cầu ESG hiện đang chi phối xu hướng.
Việc chấm dứt sự phụ thuộc gần như độc quyền vào chuỗi cung ứng công nghệ của Trung Quốc là tốn kém và phức tạp, nhưng sức hấp dẫn của Trung Quốc dần hạ nhiệt đòi hỏi một cách tiếp cận mới”.
Hiện tại, Apple đang sản xuất các mẫu iPhone từ phiên bản cũ iPhone 12 đến iPhone 15 mới nhất tại Ấn Độ, nhưng chưa bao gồm các phiên bản cao cấp hơn như Pro và Pro Max. Hầu hết các thiết bị này được Apple xuất khẩu khỏi Ấn Độ. Nội địa Ấn Độ, Apple chỉ chiếm khoảng 6% thị phần smartphone, một thị trường vẫn bị các thương hiệu Trung Quốc giá rẻ thống trị.
Tuy nhiên, Ấn Độ cũng là một trong những thị trường điện thoại di động phát triển nhanh nhất thế giới, được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu đang mở rộng, tỷ lệ thâm nhập băng thông rộng ngày càng tăng và các chính sách hỗ trợ tích cực của Chính phủ.
Năm ngoái, Apple đã khai trương hai cửa hàng đầu tiên tại đây, một ở thủ đô New Delhi và một ở trung tâm tài chính Mumbai. Hãng có kế hoạch mở thêm ba cửa hàng nữa tại Ấn Độ cho đến năm 2027.
"Sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng công nghệ rời khỏi Trung Quốc đại lục có thể trở thành xu hướng tất yếu", Tseng viết.