|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CTCP Đại Nam hoạt động ra sao trước khi CEO Nguyễn Phương Hằng bị bắt?

07:44 | 25/03/2022
Chia sẻ
Bà Nguyễn Phương Hằng là Tổng giám đốc CTCP Đại Nam, đơn vị hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản và sở hữu hàng loạt dự án lớn nhỏ tại tỉnh Bình Dương.

Ngày 24/3, thông tin bà Nguyễn Phương Hằng, vợ đại gia Huỳnh Uy Dũng (Dũng "lò vôi" bị bắt đã trở thành đề tài hot, được nhiều người quan tâm. Theo đó, Công an TP HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc CTCP Đại Nam) về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân, theo báo Thanh Niên. Viện kiểm sát nhân cùng cấp đã phê chuẩn quyết định này.

Bà Hằng được biết tới là một nữ CEO quyền lực và giàu có trong giới thương nhân Việt Nam. Như đã đề cập, bà là Tổng Giám đốc CTCP Đại Nam, đơn vị sở hữu hàng loạt dự án lớn nhỏ tại Việt Nam, trong đó nổi bật là Khu du lịch Đại Nam nổi tiếng tại tỉnh Bình Dương.

CTCP Đại Nam được thành lập từ tháng 3/1996 với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản. Dự án Khu du lịch Đại Nam rộng 450 ha chính là một trong những dự án nổi bật nhất của công ty, được khởi công từ năm 1999 và phải mất tới gần 10 năm mới hoàn thành để đón khách du lịch.

Vốn điều lệ không được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Nhưng theo nguồn tin riêng của chúng tôi, vốn điều lệ của Đại Nam hết năm 2019 là 207 tỷ đồng, trong đó, ông Dũng nắm khoảng 99,92% vốn.

Theo giới thiệu dự án, tổng vốn đầu tư công trình Khu Du lịch Đại Nam lên tới 6.000 tỷ đồng và bối cảnh được thiết kế hoàn toàn bởi ông Huỳnh Uy Dũng, ông chủ Đại Nam Corp lúc bấy giờ.

Nếu so với Đầm Sen hay Suối Tiên, những đơn vị có mô hình tương tự, quy mô của Lạc Cảnh Đại Nam lớn hơn gấp nhiều lần với diện tích lên tới 450 ha do có cả vườn thú, trường đua ngựa, đường đua F1,… Tờ Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 20/2/2018 đưa tin, trong dịp Tết Nguyên đán, mỗi ngày Khu du lịch Đại Nam đón tới hơn 40.000 lượt khách.

Tính riêng trong năm 2020, Khu du lịch Đại Nam của vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng còn đóng góp khoảng 84 tỷ đồng trên tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng 700 tỷ đồng của tỉnh Bình Dương, con số này trong năm 2019 là 220 tỷ đồng.

CTCP Đại Nam hoạt động ra sao trước khi CEO Nguyễn Phương Hằng bị bắt? - Ảnh 1.

Khu du lịch Đại Nam tại tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Vietnamnet).

Ngoài Khu du lịch Đại Nam, CTCP Đại Nam là chủ đầu tư các khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2 và 3 tại tỉnh Bình Dương với tổng vốn đầu tư lên tới cả nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, website của doanh nghiệp cho biết công ty là chủ đầu tư của loạt dự án ở Bình Dương: Khu đô thị Trung tâm hành chính huyện Dĩ An (66 ha), khu nhà ở Sóng Thần 2 (4,3 ha), khu tái định cư Sóng Thần 2, khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần (6,4 ha), khu dân cư Tân An 2, khu dân cư Đại Nam,...

Tuy nhiên, một số dự án của Đại Nam rơi vào cảnh heo hút sau nhiều năm do không có người ở, tiêu biểu có thể kể đến như Khu Nhà ở Đại Nam hay Khu Dân cư Đại Nam tại mặt tiền đường quốc lộ 13, thị trân Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, theo VTC News.

Dự án Khu Dân Cư Đại Nam có quy mô 96.7 ha, được kỳ vọng sẽ trở thành nơi đáng sống và đầu tư sinh lợi bậc nhất tại tỉnh Bình Phước cho khoảng 12.000 người. Tuy nhiên, sau gần 4 năm triển khai thì dự án vẫn khá đìu hiu, không có người ở. Cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, thậm chí một số đoạn vỉa hè trong khu đường nội đã bị bong tróc.

CTCP Đại Nam hoạt động ra sao trước khi CEO Nguyễn Phương Hằng bị bắt? - Ảnh 2.

Dự án Khu Dân cư Đại Nam vắng khách sau nhiều năm xây dựng. (Ảnh: VTC News).

Theo một bức ảnh được công bố trên website doanh nghiệp thì trong 16 năm đầu hoạt động, tức từ năm 1996 - 2012, tổng lợi nhuận của Đại Nam đã cán mốc 1.000 tỷ đồng.

Còn giai đoạn 2016 - 2019, Đại Nam đều thua lỗ. Năm 2019, Đại Nam đạt gần 409 tỷ đồng doanh thu thuần nhưng lỗ sau thuế 154 tỷ đồng. Thua lỗ nhiều năm khiến vốn chủ sở hữu của Đại Nam âm 195 tỷ đồng hết năm 2019.

Tổng tài sản của Đại Nam cuối năm 2019 là hơn 4.475 tỷ đồng, giảm 600 tỷ so với con số đầu năm. Cũng tại thời điểm đó, công ty có khoản nợ ngắn hạn là 755 tỷ đồng, nợ dài hạn 3.915 tỷ đồng.

Hồi giữa năm 2015, công ty của ông Dũng "lò vôi" từng bị Thanh tra tỉnh Bình Dương ra thông báo kết luận thanh tra, yêu cầu xử phạt hơn 99 tỷ đồng do liên quan tới các loại thuế trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh CTCP Đại Nam, CEO Nguyễn Phương Hằng còn nắm giữ cổ phần tại nhiều doanh nghiệp khác. Bà Hằng là cổ đông sáng lập nắm giữ 20%, tương đương phần vốn góp tại công ty Glove Đại Nam, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất găng tay. Đồng thời, vợ chồng nữ đại gia này cũng là người đồng sáng lập CTCP Xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh cuối năm 2018 với vốn điều lệ 99 tỷ đồng, theo Dân Trí.

Thời gian qua, bà Nguyễn Phương Hằng liên tục thực hiện livestreams "tố" nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Trấn Thành,... làm từ thiện không minh bạch, "ngâm" tiền ủng hộ của nhà hảo tâm dành cho đồng bào vùng lũ lụt miền Trung năm 2020.

Hàng loạt đơn tố giác của các nạn nhân đã được gửi đến các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương về hành vi vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.