|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

CPTPP: Cam kết thuế quan của Nhật Bản đối với giày dép Việt Nam

19:29 | 20/09/2020
Chia sẻ
Trong Hiệp định CPTPP, Nhật Bản có cam kết thuế quan rất chặt với các sản phẩm giày dép.

Theo Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Nhật Bản không cam kết xóa bỏ ngay dòng thuế giày dép nào cho Việt Nam, chỉ cắt giảm theo lộ trình dài (11 - 16 năm). Ngoài ra Nhật Bản vẫn giữ một tỉ lệ nhất định dòng thuế giày dép không cam kết xóa bỏ mà giữ nguyên mức MFN.

Nhật Bản cam kết Hạn ngạch thuế quan đặc biệt đối với 21,9% số dòng thuế giày dép. Sau đó, cắt giảm và xóa bỏ thuế theo lộ trình 11-16 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực với các dòng thuế còn lại.

Đồ họa: TV

Đồ họa: TV

Cần lưu ý là lượng hạn ngạch hàng năm sẽ được xác định bởi một quyết định của Chính phủ Nhật Bản, được tính toán trên cơ sở 12.019.000 đôi giày/dép kết hợp với xem xét số lượng nhập khẩu trong năm trước đó và tình hình thị trường quốc tế cùng các điều kiện khác có liên quan.

So sánh cam kết thuế quan của Nhật Bản trong CPTPP và các FTA đã có với Việt Nam

Trước CPTPP, Việt Nam và Nhật Bản đã có hai FTA chung hiện đang có hiệu lực là FTA ASEAN–Nhật Bản (AJCEP) và Việt Nam–Nhật Bản (VJEPA). 

Trong đó, VJEPA là FTA song phương, lại được đàm phán và có hiệu lực sau, nên có các cam kết về thuế quan cho Việt Nam cao hơn trong AJCEP. VJEPA có hiệu lực từ năm 2009, các sản phẩm giày dép cũng có cam kết hạn chế như sau:

Hơn nửa số dòng thuế có lộ trình xóa bỏ thuế 8 - 11 năm.

Một số dòng thuế không có cam kết xóa bỏ thuế (Giày trượt tuyết có mũi gắn kim loại bảo vệ; giày trượt tuyết việt dã và ván trượt; Dép trong nhà có đế ngoài bằng da; Bộ phận giày dép làm từ da hoặc có bao gồm da…).

Một số dòng thuế cam kết cắt giảm theo lộ trình 11 năm từ ngày Hiệp định có hiệu lực từ mức thuế cơ sở xuống 5 (Dép đi trong nhà; Giày dép có đế ngoài bằng da, bao phủ mắt cá chân, dùng cho tập gym và hoạt động thể thao tương tự; "Jikatabi" …)

VJEPA có hiệu lực từ năm 2009 nên cho tới thời điểm tháng 10/2019 thì các dòng có lộ trình cắt giảm thuế dài nhất là 11 năm cũng đã gần hoàn thành lộ trình. Trong khi đó lộ trình CPTPP của Nhật Bản mới ở năm thứ hai và tổng lộ trình đối với các sản phẩm giày dép lên tới 11 - 16 năm.

Như vậy, CPTPP sẽ chỉ có lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu giày dép của Việt Nam ở một số dòng sản phẩm như:

Các dòng mà Nhật Bản không có cam kết thuế trong VJEPA trong khi có cam kết trong CPTPP (trong CPTPP, Nhật Bản có cam kết thuế đối với tất cả các dòng thuế giày dép còn trong VJEPA vẫn có một số dòng không cam kết);

Các dòng mà Nhật Bản chỉ cam kết cắt giảm thuế theo lộ trình 11 năm xuống còn 5 mà trong CPTPP được cam kết xoá bỏ thuế khi hoàn thành lộ trình.

Do đó, doanh nghiệp cần xác định chính xác mã HS của sản phẩm mình và so sánh mức cam kết trong CPTPP và VJEPA để xem hiệp định nào có lợi hơn. 

Doanh nghiệp cũng cần chú ý mỗi hiệp định có qui tắc xuất xứ khác nhau phải đáp ứng được mới được hưởng ưu đãi thuế quan.

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.