'CPI phải được kiểm soát ở mức thấp trong thời gian tới'
CPI tháng 6 giảm 0,17% do giá xăng giảm | |
Lạm phát giảm: tạm thời hay xu hướng? |
Sáng 30/6 tại Hà Nội diễn ra hội thảo "Diễn biến giá cả thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2017". Đánh giá chung về giá cả thị trường 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Duy Thiện, đại diện Cục Quản lý giá cho biết về cơ bản ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến, kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu đã đề ra. Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,15% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), CPI tăng là do lương cơ bản của các đối tượng hưởng lương ngân sách tiếp tục được điều chỉnh tăng từ 1/7, một số hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý giá tiếp tục điều chỉnh theo lộ trình như phí y tế, giáo dục, giá điện sinh hoạt, giá nước…
“Thị trường hàng hóa 6 tháng cuối năm sẽ khó có biến động lớn. CPI bình quân tiếp tục xu hướng giảm kể cả có sự điều chỉnh của giá các hàng hóa, dịch vụ nhà nước quản lý. CPI bình quân dự kiến đạt mức Quốc hội giao là dưới 4%”, ông An phát biểu.
Còn theo PGS TS Ngô Trí Long, để thực hiện tốt mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng, Việt Nam cần xác lập kịch bản giá cho từng mặt hàng trong rổ hàng hóa tính lạm phát.
Ông Long cho rằng, lạm phát trong những tháng tiếp theo rất khó có thể hạ dưới mức chỉ số tăng giá tiêu dùng bình quân 4% khi nhu cầu về tiêu dùng tăng trở lại, giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới tiếp tục hồi phục và các dịch vụ công vẫn còn cần điều chỉnh theo kế hoạch đặt ra.
“Để chỉ số CPI tăng bình quân từ mức 4,47% xuống còn 4% vào cuối năm đòi hỏi CPI phải được kiểm soát ở mức thấp trong thời gian tới”, ông Long nhận định.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,15% so với cùng kỳ năm 2016. Ảnh: Zing. |
Đại diện Cục Quản lý giá cho biết, yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá 6 tháng cuối năm là việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa dịch vụ quan trọng. Giá xăng dầu thế giới biến động khó lường do những căng thẳng giữa các quốc gia vùng Vịnh. Lương cơ bản của các đối tượng hưởng lương ngân sách tiếp tục được điểu chỉnh tăng từ 1/7/2017. Cùng với đó, giá cả trong nước cũng bị ảnh hưởng bởi những biến động mang tính thời điểm, thời vụ về cung cầu của các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm do yếu tố thiên tai, môi trường và thời tiết bất lợi. Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và đặc thù thường tăng cao trong dịp tết.
Theo đại diện Cục Quản lý giá, các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục chủ động và phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, điều hành giá để giảm nhẹ các rủi ro của áp lực tăng giá. Bên cạnh đó, chúng ta cần khai thác triệt để các yếu tố giảm giá hàng hóa dịch vụ theo yếu tố thị trường để kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2017 ở mức dưới 4%, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho tăng trưởng, đồng thời đạt mục tiêu điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường.