|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

COVID kìm hãm nhu cầu thịt heo của Trung Quốc và che mờ triển vọng dài hạn

18:08 | 18/01/2023
Chia sẻ
Khác với mọi năm, nhu cầu thịt heo của người dân Trung Quốc trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay rất yếu. Nông dân trên khắp cả nước đang chịu cảnh thua lỗ vì giá heo giảm sâu.

Quầy thịt heo ở một chợ bán buôn lớn tại Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Câu chuyện trái ngược dịp Tết

Thời điểm này trong năm, người dân Trung Quốc thường đã mua sạch thịt heo và các sản phẩm làm từ thịt heo để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng trăm triệu người phải vật lộn với đợt bùng phát COVID-19 chưa từng có, niềm yêu thích của Trung Quốc đối với các món ăn từ thịt heo đang bị lu mờ.

Giá thịt heo đã giảm mạnh và ngành công nghiệp thực phẩm của Trung Quốc lại đang một lần nữa phải chịu những tổn thất kinh tế nặng nề nhất của đại dịch.

Khi COVID lây lan, nhiều người sẽ ngại gặp mặt tại nhà hay ăn uống ở nhà hàng. Do đó, họ sẽ chi tiêu ít hơn cho những món ăn như thịt, trong khi người bệnh sẽ phải ăn những món thanh đạm hơn.

Chia sẻ với Bloomberg, ông Zhou Huan, chủ một quầy thịt heo ở Bắc Kinh, cho biết: “Cả việc bán hàng và nhu cầu đều chậm lại”.

Sau khi chính phủ từ bỏ chiến lược Zero COVID vào đầu tháng 12 năm ngoái, số đơn hàng của ông Zhou đã giảm khoảng 2/3 so với dự kiến cho thời điểm này trong năm. “Mọi người đột nhiên biến mất. Không ai ra ngoài nữa”, ông cho hay.

Theo McKinsey & Co., thịt heo là nguồn cung cấp protein chính của người dân Trung Quốc, chiếm khoảng 60% tổng lượng thịt tiêu thụ ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Tết Nguyên đán, năm nay rơi vào cuối tháng 1 Dương lịch, là thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ thịt heo tại Trung Quốc tăng cao nhất, Bloomberg cho biết. Song, những con số của năm nay lại đang kể một câu chuyện khác.

 

Tình hình tiêu thụ thịt heo ở Trung Quốc đang rất yếu và càng trở nên trầm trọng hơn khi nguồn cung tăng vọt, bởi nông dân đã đổ xô đi giết mổ heo sau khi các hạn chế COVID được dỡ bỏ.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, lượng thịt heo mua tại các chợ bán buôn lớn của nước này đã tụt xuống còn khoảng 64.000 tấn vào tháng trước, chỉ xấp xỉ một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Nông dân và các doanh nghiệp chăn nuôi heo đang thua lỗ nặng sau khi giá heo giảm khoảng 1/3 kể từ đầu tháng 12, dữ liệu từ công ty tư vấn Shanghai JC Intelligence chỉ ra.

“Mức tiêu thụ có thể đã chạm đáy, nhưng giá thịt heo có thể giảm sâu hơn nữa”, nhà phân tích Pan Chenjun của Rabobank nhận định. “Nhu cầu thịt heo Tết Nguyên đán năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái và thậm chí kém hơn cả năm trước”.

Bà Pan cho rằng số ca nhiễm COVID đã đạt đỉnh, nhưng không đồng nghĩa rằng nhu cầu thịt heo sẽ phục hồi ngay lập tức.

Triển vọng dài hạn hơn

Khi nhu cầu thịt heo của Trung Quốc đi xuống, không chỉ ngành chăn nuôi trong nước chịu tác động, Bloomberg lưu ý.

Thịt heo là một mặt hàng thực phẩm quan trọng trong chỉ số giá tiêu dùng, vì vậy giá thịt giảm sẽ khiến các ngân hàng trung ương đang cảnh giác với áp lực lạm phát từ việc Trung Quốc mở cửa cảm thấy nhẹ nhõm.

Số liệu lạm phát tháng 12 của Trung Quốc cho thấy đà tăng của giá thịt heo đã chững lại so với cùng kỳ năm ngoái và so với tháng liền trước.

Tuy nhiên, nông dân ở các nước cung ứng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, sẽ không vui vẻ như vậy. Năm ngoái, chỉ riêng nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc đã đạt tới 60 tỷ USD.

Nhìn chung, thị trường hàng hoá hiện kỳ vọng nhu cầu của Trung Quốc sẽ phục hồi từ quý II năm nay, khi người dân bắt đầu hình thành miễn dịch cộng đồng và hoạt động kinh tế khởi sắc.

Song, phần lớn triển vọng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào việc liệu nền kinh tế này hoạt động ra sao sau khi tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm 2022 và trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái trong năm nay.

Theo bà Pan, về thịt heo, “nhu cầu sẽ cải thiện dần dần trong tương lai và mức tổng tiêu thụ trong năm 2023 sẽ tốt hơn so với năm 2022”.

Dù vậy, “Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều bất ổn sau khi mở cửa và không biết liệu tình hình tiêu thụ thịt heo có thể trở lại mức trước COVID hay không. Rất nhiều yếu tố sẽ tác động đến nhu cầu năm nay, như tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp”, nhà phân tích cảnh báo.

Khả Nhân

Nhóm ngành hút mạnh dòng tiền thời gian tới qua lăng kính các nhà quản lý quỹ
Theo các chuyên gia, một số nhóm ngành được kỳ vọng thu hút dòng tiền đầu tư thời gian tới kể đến tiêu dùng, bán lẻ, ngân hàng, công nghệ thông tin, đầu tư công…