|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Công ty Nhật Bản thu nhân viên 100 USD mỗi giờ dùng phòng họp

13:55 | 02/07/2019
Chia sẻ
Ở Disco, mọi thứ đều có cái giá của nó và điều này giúp từng cá nhân nhân viên tập trung vào những điều ý nghĩa nhất.

Thu trái ngọt từ một cách quản lý không giống ai

disco1

Toshiro Naito. (Ảnh: Bloomberg Businessweek)

Hiroyuki Suzuki không thể cảm thấy hạnh phúc hơn khi công ty anh thực hiện phạt anh và những nhân viên khác khoảng 100 USD cho mỗi giờ sử dụng phòng họp. 

"Mọi người thực sự cắt giảm những cuộc họp vô nghĩa", Suzuki, 37 tuổi, hiện làm việc cho hãng sản xuất thiết bị chip Disco Corp., chia sẻ. Anh là một trong số 5.000 nhân viên của công ty đang tham gia vào một thử nghiệm đột phá trong quản trị doanh nghiệp.

Ở Disco, mọi thứ đều có cái giá của nó, từ bàn làm việc, máy tính cho tới một chỗ để để chiếc ô ướt. 

Các đội nhóm thu tiền lẫn nhau cho công việc thực hiện, trong khi đó mỗi cá nhân vận hành như một startup một người với những cuộc đấu gía hàng ngày cho công việc và thi đấu chọn ra ý tưởng tốt nhất. 

Việc thanh toán được thực hiện bằng đồng tiền ảo có tên "Will" với số dư được trả bằng tiền yen cuối mỗi quý. "Chúng tôi tự tạo ra một vùng kinh tế tự do, như thể những gì vẫn tồn tại bên ngoài công ty", Toshio Naito, người thiết kế ra chương trình này và tiếp tục phát triển nó kể từ khi được áp dụng lần đầu năm 2011. "Làm việc nên theo kiểu tự do, thay vì ra lệnh".

Cách tiếp cận nói trên đã mang lại trái ngọt. Biên lợi nhuận hoạt động của Disco đã tăng từ 16% đến 26% kể từ khi thử nghiệm được tiến hành 8 năm trước, trong khi đó khả năng sinh lời của Disco là một sự ghen tị của ngành công nghiệp. 

Giá cổ phiếu hãng này gần như tăng gấp 4 lần trong giai đoạn đó, chạm mốc 16.000 yen (tương đương 148 USD), đưa giá trị vốn hoá công ty lên 5 tỉ USD. 

Nhờ những khoản thưởng thêm, mức lương trung bình của nhân viên Disco cũng cao gấp hai lần mức trung bình quốc gia là 4,7 triệu yen và năm 2017, Disco là công ty đầu tiên nhận giải thưởng chính phủ mới dành cho nơi làm việc lý tưởng.

Mặc cho thành công và rất nhiều lần chia sẻ, đào tạo với các công ty khác, chưa có một công ty nào khác áp dụng cách của Disco. 

Nhiều kĩ sư đã nghỉ việc với lý do cách tiếp cận này ảnh hưởng đến khả năng tập trung của họ. Một số khác lại cảm thấy sợ những áp lực không hồi kết để đạt được những khoản thưởng. 

Trong khi đó những khoản thưởng lớn lại không được đảm bảo. Điều này có nghĩa là bạn phải chịu những áp lực lớn nhưng thành quả lại không có nhiều. Tập trung không ngừng vào những lợi ích theo quý có thể khuyến khích suy nghĩ ngắn hạn, Takashi Shimizu, giáo sư tại Đại học Waseda, Tokyo, nói.

 "Quản lý cấp cao không nên vướng vào vòng xoáy ngắn hạn", vị giáo sư chuyên nghiên cứu về kế toán và hệ thống quản trị này nói thêm. 

Bên cạnh đó, cũng sẽ có những cú sốc về văn hoá. Mất khoảng năm năm để nhân sự ở Nhật Bản thích nghi với cách tiếp cận này của Disco, trong khi đó nhân sự tại Mỹ và Trung Quốc thì vẫn chưa thực sự hào hứng với nó, Naito nói thêm.

Biến công việc thành một trò chơi đầy cạnh tranh

disco2

Ứng dụng Disco. (Ảnh: Bloomberg Businessweek)

Những người thích cách quản lý của Disco vốn đề cao sự tự do để định hình những gì sẽ làm trong ngày và trân trọng giá trị được đặt lên nỗ lực và thời gian mình đã bỏ ra. Họ nói rằng sự tàn nhẫn của cách tiếp cận thị trường tự do đã bị pha loãng trong bối cảnh các nhân viên làm việc cùng nhau. 

"Nó như thể một lẽ tự nhiên", Naoki Sakamoto, một nhân viên nhà máy Disco ở Hiroshima, chia sẻ. "Có thể đo lường mọi thứ tạo ra sự tự tin và hứng khởi".

Disco được thành lập vào năm 1937 với tên gọi Dai-Ichi Seitosho Co.. Công ty này bắt đầu bằng việc cung cấp các công cụ cắt cho quân đội Nhật Bản trước Thế chiến thứ II. 

Những lưỡi cưa và lưỡi kim cương của hãng sau đó được dùng để cắt mọi thứ, thậm chí cả đá mặt trăng được mang về từ hành trình Apollo 11. 

Hiện nay, Disco là nhà sản xuất thiết bị lớn nhất thế giới có thể cắt các thỏi silicon trước khi chúng được chuyển đổi mục đích thành những con chip điện tử. 

Giống như nhiều nhà sản xuất, Disco dành nhiều thập niên tìm cách cải thiện sự hiệu quả. Cách tiếp cận của họ được lấy cảm hứng từ cách quản lý của Kyocera Corp., nơi hàng nghìn đội nhóm nội bộ được vận hành như những công ty độc lập. Disco, dưới sự quản lý của Naito, mở rộng quyền tự chủ đó tới từng nhân viên.

Ở trung tâm của chương trình này là một hệ thống tính thưởng liên tục, theo dõi những gì một cá nhân hay một đội nhóm đã đóng góp cho công ty. Các nhân viên nhận được lương tối thiểu, và sẽ cần tìm cách tăng thu nhập của mình bằng cách kiếm Will.

Kiếm tiền ảo được bắt đầu ở mức độ đội nhóm khi người lãnh đạo phân chia một ngân sách Will cho mỗi công việc mà họ cần hoàn thành. Các thành viên trong nhóm sau đó sử dụng một ứng dụng để "đấu thầu" những công việc đó. 

Những công việc không có nhiều người tham gia "thầu" thực tế là những công việc không cần thiết, Naito chia sẻ. Các quản lý sử dụng sai mục đích hoặc lạm dụng hệ thống có thể bị nhân viên ngó lơ bởi họ hoàn toàn có thể chuyển sang các đội ngũ khác.

Các nhóm sẽ thực hiện trả tiền cho nhau khi hoàn thành nhiệm vụ. Đội ngũ bán hàng trả tiền để công nhân nhà máy sản xuất hàng hoá, trong khi công nhân nhà máy lại trả tiền cho kĩ sư để thiết kế sản phẩm. 

Khi một hợp đồng bán hàng được thực hiện, nó tạo ra một số lượng tiền ảo và sẽ được chuyển tới từng cá nhân trong chuỗi cung ứng, bao gồm cả các nhân viên nhân sự hay hỗ trợ công nghệ thông tin.

Disco cũng có một hệ thống phạt cho các hành vi thiếu hiệu quả, bao gồm cả việc làm thêm giờ. Tỉ lệ làm thêm giờ tại đây đã giảm 9% kể từ khi hình thức phạt làm muộn được áp dụng trong năm 2015, song hành với mục tiêu của chính phủ Nhật trong việc tạo ra sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc. 

Nhân viên còn nhận được Will khi giúp đỡ lẫn nhau, một nhân viên muốn đến xem trận bóng chày của con trai có thể nhờ đồng nghiệp hoàn thành báo cáo bằng cách trả tiền Will.

Bên cạnh đó, tại Disco, các cuộc thi đấu hàng ngày được tổ chức tại Colosseum, một khán phòng 200 chỗ ngồi ở trụ sở chính, nơi nhân viên và lãnh đạo cùng nhau trao đổi về các ý tưởng có thể giúp tăng lợi nhuận. 

Bất kì ai cũng có thể thuyết trình và trong năm ngoái cuộc thi này đã đón nhận 1.400 đề xuất, từ các phương pháp sản xuất nhanh hơn cho đến cách sắp xếp lại thùng rác. 

Những người tham gia sẽ đối mặt với nhau trong cách bài chia sẻ kéo dài 1 phút. Nhân sự sau đó sẽ dùng Will để đặt cược vào những ý tưởng mà mình thích với giới hạn 200.000 Will (khoảng 1.800 USD) cho mỗi trận đấu. Bên nào nhận được nhiều sự ủng hộ hơn sẽ giành chiến thắng. Đội thua có thể chỉnh sửa lại ý tưởng của mình và quay lại chiến trường, sử dụng những nhận xét từ CEO Kazuma Sekiya, người xem trận đấu và đưa ra ý kiến cho tất cả mọi ý tưởng.

Naito, vốn học luật nhưng được đào tạo như một kế toán viên ở công việc đầu tiên tại một công ty sữa, nơi anh tìm thấy đam mê trong lĩnh vực quản trị tổ chức. 

Ở Disco, Naico tìm cách cải thiện năng suất lao động cho đến khi Sekiya nói với ông rằng hãy lấy cảm hứng từ những trò chơi: "Ông muốn một hệ thống như Final Fantasy hoặc Dragon Quest. Một hệ thống sẽ khiến làm việc thú vị hơn và cải thiện sức mạnh công ty". 

Điểm quan trọng nhất Naito mượn từ những trò chơi nói trên là tính điểm mọi thứ, trả thưởng cho người điểm cao để tạo cảm giác vui và cạnh tranh.

Thử nghiệm mới nhất của Disco là một hệ thống gọi vốn cộng đồng nội bộ nơi bất kì ai cũng có thể trình bày ý tưởng kinh doanh của mình. Sử dụng Will để đầu tư, nhân viên có thể nhận được khoản lợi nhuận một ngày nào đó. 

Đây là một cách nhanh chóng để thử nghiệm các ý tưởng bởi những ý tưởng thu hút được sự chú ý là một dấu hiệu cho thấy nó hữu ích. 

Thái Sơn