|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Công ty mẹ Tổng Công ty Thép Việt Nam (TVN) ước lãi 133 tỷ đồng quý II

07:48 | 07/07/2023
Chia sẻ
Theo VNSteel, thị trường thép đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong 6 tháng đầu năm khi giá liên tục giảm, nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thấp.

Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel - Mã: TVN) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II với 133 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế công ty mẹ, giảm 38% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ VNSteel đạt 194 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ và bằng 373% kế hoạch năm. Tuy nhiên kết quả này chưa bao gồm trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn đối với các khoản đầu tư của công ty có giá trị suy giảm trong nửa đầu năm.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Theo VNSteel, nửa đầu năm nay, giá bình quân của các mặt hàng trên thị trường thép đều giảm mạnh từ 14 - 37% so với cùng kỳ. Mặc dù có diễn biến tăng từ đầu năm đến giữa tháng 3, nhưng sau đó giá các mặt hàng đều giảm liên tục, đến giữa tháng 6 mới có một đợt hồi phục nhẹ.

Thị trường trong nước có 19 đợt điều chỉnh giá thép xây dựng trong nửa đầu năm. Trong đó, có 6 đợt điều chỉnh tăng giá trong quý I và 13 đợt điều chỉnh giảm giá trong quý II. Giá thép dẹt theo sát diễn biến của giá thế giới, tăng vào hồi tháng 3 nhưng trong quý II đã bắt đầu giảm mạnh theo xu hướng giá thế giới. 

VNSteel cho rằng, thị trường thép đã đối mặt với nhiều khó khăn trong giai đoạn vừa qua khi giá liên tục giảm, nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thấp, đặc biệt là trong quý II. Điều này khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nhiều nơi phải dừng hoặc cắt giảm sản xuất.

Nếu tính chung 6 tháng đầu năm, tiêu thụ thép thành phẩm chỉ bằng 38% kế hoạch năm và giảm 30% so với cùng kỳ, trong đó thép cán dài giảm 33% và thép cán nguội giảm 24%.  

 Trụ sở VNSteel tại Hà Nội. (Ảnh: Lâm Anh).

Trong báo cáo phân tích đầu tháng 7 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thông tin, tốc độ sản xuất thép thô của các nhà máy tại Việt Nam đang chững lại trong vài tháng gần đây, dù cao hơn mức đáy cuối năm ngoái nhưng vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.

Theo ước tính của VDSC, tiêu thụ thép thô lũy kế 6 tháng đạt dưới 10 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 9% so với cùng kỳ năm 2021. Những con số này vẫn không thể thuyết phục đơn vị phân tích này tin rằng nhu cầu thép đang tốt lên.

Thêm vào đó, lượng xuất khẩu thép thô trong nửa đầu năm ước tính 875.000 tấn, gấp đôi so với cùng kỳ, chiếm tỷ trong khoảng 1/10 tổng tiêu thụ, có nghĩa là nhu cầu thép thô trong nước lũy kế 6 tháng ước tính giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này phần nào cho thấy tín hiệu về tốc độ hồi phục của hoạt động xây dựng và sản xuất công nghiệp trong nước.

 

Điểm sáng hiếm hoi của ngành thép trong nước thuộc về nhóm xuất khẩu HRC (Formosa và HPG) khi sản lượng xuất khẩu trong tháng 5/2023 đạt kỷ lục hơn 390.000 tấn, cho thấy khả năng cạnh tranh của nhóm các nhà máy thép thượng nguồn trên thị trường quốc tế.

Ước tính sản lượng xuất khẩu nửa đầu năm 2023 đạt gần 1,7 triệu tấn, đóng góp một nửa tổng tiêu thụ HRC. Một mặt, đây là tin tích cực khi ngành sản xuất trong nước có thể cạnh tranh ở tầm quốc tế, giúp các nhà máy tiêu thụ hàng khi nhu cầu trong nước yếu và có nguồn thu ngoại tệ để cân bằng ảnh hưởng của tỷ giá.

Mặt khác, số xuất khẩu HRC đang phơi bày tình trạng khá tiêu cực trong nước khi nhu cầu HRC của các nhà máy tôn mạ, ống thép đang rất yếu. Ước tính nửa đầu năm 2023, nhóm các nhà máy thép hạ nguồn chỉ tiêu thụ chưa tới 1,7 triệu tấn HRC, giảm 45% so với cùng kỳ.

Thực tế, ước tính sản lượng tiêu thụ tôn mạ và ống thép trong 6 tháng đầu năm lần lượt đạt 2 và 1,2 triệu tấn, giảm lần lượt 16% và 11% so với cùng kỳ, trong đó tiêu thụ nội địa tôn mạ và ống thép giảm lần lượt 14% và 25% so với cùng kỳ. Các con số hạ nguồn tiếp tục củng cố nhận định của VDSC về mức độ hồi phục của thị trường sắt thép trong nước.  

Thêm vào đó, việc giá HRC đang trên đà giảm, hiện giảm 16% kể từ đầu quý II không phải là môi trường thuận lợi để cải thiện biên lợi nhuận.

Nguồn: VDSC.

Khi tình hình sản xuất - tiêu thụ toàn ngành không thật tích cực, biên lợi nhuận vẫn còn chịu sức ép từ giá bán giảm, VDSC cho rằng hầu hết các doanh nghiệp thép sẽ đạt tăng trưởng so với quý I/2023, tuy nhiên tăng trưởng sẽ âm khá lớn khi so với cùng kỳ năm ngoái do quý II/2022 là quý cao điểm ghi nhận lợi nhuận của ngành thép. 

Lâm Anh

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.