|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Công ty Len Việt Nam ‘bên bờ vực thẳm’, Vinatex vẫn muốn thoái vốn với khởi điểm cao hơn mệnh giá

13:43 | 15/11/2019
Chia sẻ
Ngày 6/11 vừa qua, Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - Mã: VNT) đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sở hữu tại CTCP Len Việt Nam.

Cụ thể, hơn 2,75 triệu cổ phiếu, tương đương 67,15% tỉ lệ sở hữu tại Len Việt Nam sẽ được chào bán cạnh tranh (đấu giá trong phạm vi 100 nhà đầu tư) trong quí IV năm nay.

Với giá khởi điểm 10.500 đồng/cp, Vinatex sẽ thu về tối thiểu gần 29 tỉ đồng nếu thương vụ thành công trọn vẹn. Tính đến nay, Vinatex đã trích lập dự phòng hoàn toàn đối với khoản đầu tư (28,3 tỉ đồng) vào doanh nghiệp này.

Len Việt Nam đang có tình hình "rất nghiêm trọng, đang bên bờ vực thẳm", theo lời Ban lãnh đạo Công ty. Cụ thể, đơn vị này đã lâm vào cảnh mất khả năng thanh toán nợ vay từ nhiều năm qua.

Kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2018 của Len Việt Nam chủ yếu cũng là do chi phí lãi vay 4,9 tỉ đồng cho khoản vay vốn không có khả năng trả nợ tồn đọng từ các năm trước.

Vào thời điểm 31/12/2018, vốn chủ sở hữu của Len Việt Nam đã âm 8,5 tỉ đồng. Nợ ngắn hạn Len Việt Nam là 46,8 tỉ đồng, vượt quá lượng tài sản lưu động chỉ 14,5 tỉ đồng của Công ty.

Phía kiểm toán viên cũng lưu ý rằng nợ vay và lãi vay đến hạn chưa thanh toán của Len Việt Nam tính đến cuối năm 2018 đã là 40,4 tỉ đồng.

Theo thông tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Len Việt Nam, hiện ngân hàng VietBank đã khởi kiện Công ty. Theo đó, cơ quan thi hành án cũng đã phong tỏa tài khoản của Công ty tại ngân hàng và phía Len Việt Nam cho biết đang không vay vốn được với bất kì ngân hàng nào.

Vietbank vẫn chưa phải là chủ nợ lớn nhất của Len Việt Nam, mà là Vietinbank với khoản cho vay 22,4 tỉ đồng.

no vay len viet nam

Tổng nợ vay của Len Việt Nam. (Nguồn: Báo cáo tài chính kiểm toán 2018)

Trong năm 2019, Len Việt Nam lên kế hoạch "tìm mọi biện pháp" để thanh lí hàng tồn kho và các máy móc thiết bị không sử dụng , hoặc sử dụng không hiệu quả để có nguồn tài chính trả nợ vay.

Về việc trả nợ vay, phía Len Việt Nam cho biết chỉ cân đối mức trả cầm chừng, do Công ty cũng chưa có bất kì phương án nào để khôi phục sản xuất kinh doanh vì không có nguồn vốn hỗ trợ.

Về kế hoạch kinh doanh, Len Việt Nam đặt chỉ tiêu tổng doanh thu 33,7 tỉ đồng năm 2019, tăng 29% so với năm trước.

Tuy nhiên, khoản lỗ dự kiến trong năm nay lại tăng gấp đôi so với kết quả 2018, lên mức 9,6 tỉ đồng, chủ yếu do hoạt động thanh lí hàng tồn kho, máy móc và gánh nặng lãi vay.

Hồi cuối tháng 10 vừa qua, Len Việt Nam đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt hành chính 50 triệu đồng do công bố không đúng thời hạn một loạt các tài liệu báo cáo tình hình quản trị, tài liệu và nghị quyết đại hội đồng cổ đông cho đến các báo cáo thường niên, báo cáo tài chính từ năm 2014 - 2017.

Thừa Vân

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.