|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Công nhân xoay xở trong nhà trọ nhỏ, giá rẻ ở TP HCM

06:51 | 05/08/2024
Chia sẻ
Những căn trọ chưa đến 12 m2, hẻm hơn một mét là nơi sống của nhiều gia đình công nhân gần các khu công nghiệp ở TP HCM.
 

 

Nhiều dãy nhà trọ cho người lao động ở khu vực Bình Tân (gần công ty Pouyuen), dọc các đường Tỉnh lộ 10, Hồ Học Lãm, Tây Lân... đều có diện tích từ 6 đến 15 m2.

Mới đây Sở Xây dựng TP HCM đề xuất nhà trọ ở thành phố muốn hoạt động phải đảm bảo diện tích sàn tối thiểu 5 m2 một người, hẻm rộng 4 m, cách đường chính không quá 100 m và có lối thoát nạn.

Điều kiện này nếu thực hiện sẽ gây khó khăn cho những công nhân sống trong những khu trọ ẩm thấp, chật chội để tiết kiệm chi phí.

 

Trong dãy nhà trọ trên đường Bia Truyền Thống gần Công ty Pouyuen, bà Nguyễn Thị Hoa, 55 tuổi, quê Thanh Hóa, thuê căn trọ khoảng 24 m2 ngăn làm hai phòng cho gia đình 9 người, 3 thế hệ để ở.

Bà cho biết gia đình làm công nhân giày da thu nhập đủ sống, thuê căn phòng trọ chi phí 9 triệu đồng một tháng. "Tôi và con cháu ở đây mười mấy năm rồi, chật một chút nhưng đã quen", bà Hoa nói.

 

Những dãy nhà trọ trên đường Bia Truyền Thống đa phần được người dân để xe máy trước cửa nhà để tiết kiệm diện tích trong phòng. Quần áo được phơi ngay lối đi trước nhà.

 

Cách đó khoảng 200 m là dãy nhà trọ trong hẻm Tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân - nơi sống của đa số công nhân miền Tây.

Bà Mười, quê Hồng Ngự, Đồng Tháp lên TP HCM đã nhiều năm làm nghề gắn mai vải cho biết đang thuê nhà trọ khoảng 4 m2 để ở với chi phí một triệu đồng một tháng, tính luôn điện nước khoảng 1,5 triệu đồng. "Giờ già rồi đâu làm gì ra tiền mà thuê chỗ rộng rãi hơn", bà Mười nói.

 

Bà Phạm Thị Hương, 60 tuổi, quê Châu Đốc, tỉnh An Giang trong căn nhà thuê dài 2 m, rộng 1,5 m, lỉnh kỉnh đồ đạc ở con hẻm 184 Lê Đình Cẩn, quận Bình Tân.

Bà Hương cho biết giá phòng là 650.000 đồng, thêm điện nước lên khoảng một triệu đồng mỗi tháng. Bà kể con cái ở quê đã lập gia đình, hoàn cảnh cũng khó khăn nên bà lên Sài Gòn tìm việc, lớn tuổi nên không ai nhận chỉ làm được việc nhà. "Làm việc nhà bữa làm bữa nghỉ đến ngày đóng tiền trọ lại chạy lo từng bữa", bà Hương nói.

 

Cũng như bà Hương, nhiều người lao động ở hẻm 184 Lê Đình Cẩn đang sống những căn nhà nhỏ 3-4 m2 để tiết kiệm tiền sinh hoạt.

Tại hẻm này có khoảng chục căn nhà nhỏ diện tích chưa đến 4 m2, trong đó nhiều căn tận dụng mặt bằng phía trước để kinh doanh.

 

Cách dãy trọ quận Bình Tân khoảng 30 km là khu nhà trọ gần Khu chế xuất Linh Trung, TP Thủ Đức với nhiều căn cũ kỹ, ẩm nóng, kín mít.

Giữa trưa nắng để tránh bị ngộp, ông Lê Mỹ Phong (40 tuổi) phải mở cửa phòng. Ông cho biết quê ở Quảng Ngãi, làm nghề cơ khí, ngày làm ngày nghỉ nên thuê phòng trọ 1,5 triệu đồng một tháng gồm điện nước. "Phòng trọ cũng chỉ để ngủ nên chỗ nào rẻ mình thuê", ông Phong nói.

 

Một dãy nhà trọ chật hẹp, lối đi chỉ khoảng một mét ở TP Thủ Đức.

 

Cách dãy trọ ông Phong vài trăm mét là khu nhà trọ của chị Nguyễn Thị Như Ngọc, đã thuê ở hơn 10 năm. Chị Ngọc quê Cần Thơ, lên TP HCM làm công nhân giày da rồi lập gia đình, cùng thuê căn trọ 1,5 triệu đồng với diện tích chừng 5 m2.

Chị cho biết, vợ chồng làm công nhân với mức lương hơn 10 triệu đồng nhưng đang nuôi hai con đang tuổi ăn học nên muốn thuê phòng giá rẻ, để dành tiền lo cho con.

 

Tương tự như chị Ngọc, vợ chồng ông Nguyễn Quốc Hiên, 42 tuổi, công nhân sơn gỗ, quê Hà Tĩnh, đang nuôi hai con nhỏ trong căn phòng rộng 15 m2 trên đường Vận hành Suối Nhum, TP Thủ Đức.

Ông Hiên cho biết gia đình đã thuê phòng và sống ở đây 15 năm với tiền trọ 2,5 triệu đồng mỗi tháng. "Mặt bằng thuê trọ giờ các nơi đều ngang nhau, mình có chỗ ở ổn định là mừng rồi", người đàn ông nói trong lúc xem tivi cùng con, vừa chờ vợ đi chợ về.

 

Một buổi tối sinh hoạt của công nhân xóm trọ trên đường Vận Hành Suối Nhum gần Khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, thành phố có khoảng 60.500 nhà trọ tư nhân đang kinh doanh. Trong đó có khoảng 12.800 nhà trọ (chiếm 21%) không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục hoạt động, khoảng 4.600 công trình chưa đáp ứng các tiêu chí về diện tích sàn bình quân tối thiểu và 8.200 công trình chưa đáp ứng tiêu chí về phòng cháy chữa cháy.

Theo Sở Xây dựng, các nhà trọ này phải thực hiện việc chuyển đổi để đạt tiêu chuẩn quy định tối thiểu nếu muốn tiếp tục hoạt động.

Sở Xây dựng đề xuất TP HCM có chính sách hỗ trợ chủ nhà trọ vay lãi suất ưu đãi để cải tạo, nâng cấp cho đạt mức an toàn của quy định tối thiểu. Nếu chủ trọ có công trình không đảm bảo điều kiện tối thiểu mà có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề, thành phố hỗ trợ vay vốn.

Thanh Tùng