Công khai nợ Nhà nước và địa phương: Tăng minh bạch, giảm tham nhũng
Với những quy định mới trong nghị định 25 về báo cáo tài chính được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước đột phá trong vấn đề quản lý các doanh nghiệp tại trung ương và chính quyền địa phương. (Ảnh minh họa) |
Công khai “sức khỏe” tài chính Nhà nước, địa phương
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 25/2017 về báo cáo tài chính nhà nước, trong đó nêu rõ nội dung và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc công khai, cung cấp thông tin tài chính nhà nước.
Theo nghị định, các đơn vị có nhiệm vụ lập báo cáo tài chính nhà nước và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có nhiệm vụ cung cấp thông tin để lập báo cáo tài chính nhà nước gồm: Bộ Tài chính; Kho bạc Nhà nước các cấp; cơ quan quản lý, thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước các cấp; cơ quan quản lý tài sản, nguồn vốn của Nhà nước các cấp; cơ quan nhà nước, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước; cơ quan, tổ chức quản lý quỹ tài chính ngân sách nhà nước ngoài ngân sách; đơn vị sự nghiệp công lập.
Nội dung của báo cáo tình hình tài chính nhà nước gồm: Tài sản Nhà nước; nợ phải trả của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước. Nội dung báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước gồm: Thu nhập của Nhà nước; chi phí của Nhà nước; kết quả hoạt động tài chính của Nhà nước.
Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc và tỉnh được lập theo kỳ kế toán năm được tính từ ngày 1/1 đến 31/12 năm dương lịch.
UBND tỉnh công khai các thông tin trong báo cáo tài chính nhà nước tỉnh, bao gồm: Tình hình tài sản của Nhà nước, nợ chính quyền địa phương, các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ nhà nước trên phạm vi tỉnh; trừ số liệu chi tiết thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự trữ quốc gia.
Bộ Tài chính công khai các thông tin trong báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc, bao gồm: Tình hình tài sản của Nhà nước; nợ công và các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ nhà nước trên phạm vi toàn quốc; trừ số liệu chi tiết thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự trữ quốc gia.
UBND tỉnh công khai báo cáo tài chính nhà nước tỉnh trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Báo cáo tài chính nhà nước tỉnh được báo cáo trước Hội đồng nhân dân tỉnh. Bộ Tài chính công khai báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc được báo cáo trước Quốc hội.
Người dân thêm cơ hội giám sát
Trước thực trạng các vấn đề thu/chi ngân sách, tình hình tài sản nhà nước, nợ và các khoản phải trả khác, nguồn vốn nhà nước… vẫn ít nhiều bí ẩn đối với người dân thì việc công khai báo cáo tài chính nhà nước được coi là bước cải tiến mạnh mẽ của Việt Nam.
Với một doanh nghiệp, sau mỗi năm tài chính sẽ có một lần kiểm tra “sức khỏe” định kỳ. Từ đó, sẽ có báo cáo kết quả kinh doanh lỗ lãi; báo cáo dòng tiền ra vào doanh nghiệp; báo cáo tổng tài sản và các khoản nợ.
“Sức khỏe” của cả một quốc gia, một địa phương cũng sẽ được định lượng bằng các chỉ số rất cụ thể như: kết quả hoạt động của khu vực Nhà nước; các dòng tiền ra vào của cả nền kinh tế quốc gia hay một địa phương; tài sản công và các khoản nợ công.
Theo báo cáo của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội vào hồi tháng 10/2016, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2015, cả nước có 652 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tổng tài sản của các doanh nghiệp này lên tới trên 3 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 35% tổng tài sản. Trong đó khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ – con có tổng tài sản trên 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm 93% tổng tài sản. Các Công ty TNHH MTV độc lập còn lại chiếm 7% tổng tài sản. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu khối doanh nghiệp này gần 1,4 triệu tỷ đồng.
Những con số trên cho thấy việc lập báo cáo hàng năm các khoản nợ Trung ương và chính quyền địa phương là vấn đề hết sức quan trọng, đặc biệt là khi tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc công khai thông tin ngân sách trung ương và địa phương là phù hợp với xu hướng hội nhập hiện nay. Bởi theo lý giải của Bộ Tài chính, các nước và các tổ chức quốc tế tài trợ cũng luôn quan tâm tới tình hình tài chính và khả năng trả nợ của Nhà nước. Nếu những thông tin đó được cung cấp đầy đủ, tin cậy thì Nhà nước sẽ được vay nợ trong những điều kiện thuận lợi (thời hạn, lãi suất, số tiền vay, các điều kiện khác…).
Ngược lại, nếu các nước và các tổ chức tài trợ không được thoả mãn về những thông tin cần thiết, chắc chắn Nhà nước sẽ gặp khó khăn khi đi vay, nhất là hiện nay Chính phủ Việt Nam đang chủ trương phát hành trái phiếu quốc tế trong điều kiện phải cạnh tranh giữa nhiều nước cùng đi vay trên thị trường tài chính quốc tế.
Trước đó, trao đổi với báo giới, TS. Nguyễn Đức Độ – Phó Viện trưởng Viện kinh tế tài chính, Bộ Tài chính cho biết: “trong bối cảnh kinh tế hiện nay, cần một ngân sách Nhà nước trong sạch để bảo đảm nền kinh tế vận hành hiệu quả, tránh đưa nền kinh tế vào khủng hoảng trả nợ, gây lạm phát vì chi tiêu bừa bãi, từ đó đẩy lãi suất cao làm đình đốn kinh tế”.
Do đó, theo TS Nguyễn Đức Độ cần hiểu rõ nguồn thu, tình hình chi tiêu và nợ nần của Nhà nước. Điều này đòi hỏi minh bạch chi tiết và yêu cầu theo đúng chuẩn mực kế toán tài chính đã được các cơ quan quốc tế ban hành. Không những vậy, khi người dân giám sát việc thực hiện thu chi, từng bộ, ngành, địa phương sẽ có sự dè dặt, cân nhắc tính toán kĩ lưỡng hơn bởi hiện nay vẫn có tình trạng một số cơ quan, ban ngành có số chi không sát với thực tế, gây thất thoát, lãng phí tiền của của Nhà nước.
“Nếu thông tin về tài sản, tiền tệ Nhà nước được công khai thì người dân sẽ chú ý hơn. Khi đó, thủ trưởng các cơ quan sử dụng ngân sách sẽ phải dè chừng, không dám sử dụng ngân sách tùy tiện. Thay vào đó, họ phải quản lý chặt chẽ hơn và như vậy sẽ có tác dụng giảm thất thoát, tham nhũng” – ông Độ nói.
Việc công bố công khai, minh bạch ngân sách cần phải được thực hiện một cách thực chất hơn. Công khai, minh bạch ngân sách phải gắn liền với công tác chuẩn hóa thống kê. Trước tiên là yêu cầu chuẩn hóa theo chuẩn mực thống kê của Việt Nam rồi tiến dần tới chuẩn hóa thống kê của thế giới.
Với những quy định mới trong nghị định 25 về báo cáo tài chính được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước đột phá trong vấn đề quản lý các doanh nghiệp tại trung ương và chính quyền địa phương.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/