Công bố điều chỉnh quy hoạch chung TP Vũng Tàu đến năm 2035
Một góc thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Duy Khương/TTXVN
Theo ông Nguyễn Lập - Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu, thời gian qua, nhiều quy hoạch cấp trên đã được phê duyệt như: Điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025.
Trong khi đó, quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu được phê duyệt năm 1993 (điều chỉnh năm 2005) đã khá lâu, nhiều nội dung lỗi thời, không còn phù hợp, khó triển khai thực hiện. Vì vậy, quy hoạch chung được điều chỉnh sẽ “gỡ vướng” cho thành phố Vũng Tàu, để phát triển phù hợp với thực tế, phục vụ tốt công tác quản lý quy hoạch đô thị.
Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu Nguyễn Lập cho biết sẽ công khai rộng rãi điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu đến năm 2035 và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thành phố Vũng Tàu đến năm 2020 (vừa được tỉnh phê duyệt tháng 6/2019) đến người dân, giúp người dân nắm chắc quy hoạch để không vi phạm, không bị lừa khi mua đất, mua nhà.
Trước mắt, thành phố sẽ tổ chức rà soát và lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phù hợp với Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu đến năm 2035; xây dựng và ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; lập, phê duyệt chương trình phát triển đô thị; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch đồng bộ với việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong thành phố…
Theo điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu đến năm 2035, thành phố Vũng Tàu là trung tâm du lịch, thương mại-tài chính-ngân hàng, dịch vụ hậu cần thủy sản, dịch vụ hàng hải, phát triển cảng biển, dịch vụ khai thác và chế biến dầu khí của cả nước; quy mô dân số đến năm 2025, khoảng 500.000 người và đến năm 2035 khoảng 650.000 người.
Thành phố Vũng Tàu được chia thành 7 khu vực phát triển, trong đó khu vực đảo Long Sơn là trung tâm công nghiệp dầu khí quốc gia, công nghiệp phụ trợ. Ở đây sẽ hình thành khu đô thị mới phục vụ dầu khí và khu đô thị sinh thái. Tổng diện tích khu vực này khoảng 4.100 ha, trong đó đất xây dựng đô thị 2.670 ha với quy mô dân số tối đa 45.000 người.
Khu vực 2 là Gò Găng được phát triển thành khu đô thị mới gắn với sân bay Gò Găng và khu đô thị sinh thái gắn với rừng ngập mặn. Ở đây cũng sẽ hình thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và chế biến thủy hải sản công nghệ cao. Tổng diện tích khu vực Gò Găng khoảng 1.400 ha với dân số tối đa 60.000 người.
Khu vực 3 là Bắc Phước Thắng hình thành khu đô thị mới sinh thái mật độ thấp, quy mô dân số tối đa 35.000 người.
Khu vực 4 là Công nghiệp-cảng (hiện hữu) sẽ mở rộng khu cảng Sao Mai-Bến Đình, cải tạo khu dân cư hiện hữu gắn với khu cảng Cát Lở và không gia tăng quy mô dân số.
Khu vực 5 là Khu đô thị hiện hữu sẽ tập trung cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị.
Khu vực 6 là Bắc Vũng Tàu sẽ phát triển Trung tâm hành chính mới của thành phố, hình thành các khu đô thị mới tập trung, hiện đại. Khi sân bay Vũng Tàu dời sang Gò Găng sẽ phát triển khu vực này thành khu trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng.
Khu vực 7 là khu vực ven biển Chí Linh-Cửa Lấp sẽ phát triển du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, khu dân cư đô thị với quy mô dân số tối đa khoảng 45.000 người.