|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Conference Board: Kinh tế thế giới tiếp tục trì trệ trong năm thứ 6

18:00 | 17/11/2016
Chia sẻ
Tổ chức nghiên cứu kinh tế hàng đầu thế giới Conference Board dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục năm thứ 6 trì trệ và xu hướng này sẽ kéo dài sang cả năm 2017.

Những căng thẳng địa chính trị, sự bất bênh về chính sách, sự dao động của thị trường tài chính và những thay đổi nhanh chóng trong công nghệ khiến nền kinh tế thế giới tiếp tục năm thứ 6 trì trệ và xu hướng này sẽ kéo dài sang cả năm 2017.

Đây là nhận định không mấy lạc quan do Conference Board đưa ra tại buổi công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu 2017 ngày 16/11.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, tổ chức nghiên cứu kinh tế hàng đầu thế giới này dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 2,5% trong năm 2016, và nhích đôi chút lên 2,8% trong năm 2017.

Dự báo này là rất thấp so với mức tăng trưởng hàng năm, (thường đạt trên 4%) của những năm giữa thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 và tốc độ tăng trưởng trung bình 3,1% trong giai đoạn 2010-2014, cũng như mức tăng 3% của năm 2015.

Trong báo cáo, Conference Board nhận định trong năm 2016, các nền kinh tế phát triển tăng trưởng không đồng đều.

Cụ thể, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ được dự đoán tăng trưởng 2% trong năm 2017, tăng so với mức 1,6% của năm 2016, và đạt tốc độ trung bình 2,2% trong giai đoạn 2017-2021.

Ở chiều ngược lại, tốc độ tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) có nguy cơ tụt xuống mức 1,4% trong năm 2017, so với mức 1,5% của năm 2016, và đạt tốc độ trung bình 1,7% trong giai đoạn 2017-2021.

Nước Anh được dự báo chỉ tăng trưởng 0,8%, giảm so với mức 1,7% của năm 2016.

Tương tự như Anh, GDP của Nhật Bản cũng bị dự đoán đứng mức ảm đạm 0,6% trong năm 2017, giảm so với mức 0,9% của năm 2016 trong bối cảnh những khó khăn của nền kinh tế này vẫn dai dẳng trong thời gian trung hạn.

Tính tổng thể, các nền kinh tế phát triển dự kiến tăng trưởng 1,8% trong năm 2017, tăng so với 1,7% của năm 2016, và dự kiến tăng 2,1% trong giai đoạn 2017-2021.

Triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi khả quan hơn.

Dự kiến tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đạt 3,2% trong năm nay, tiếp tục phục hồi và ổn định ở mức 3,6% trong năm 2017, và đạt mức trung bình 3,7% trong giai đoạn 2017-2021.

Đáng chú ý là Conference Board tiếp tục đưa ra dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với cả số liệu của Bắc Kinh lẫn các tổ chức quốc tế khác như Ngân hàng Thế giới.

Trung Quốc được dự đoán tăng trưởng 3,8% trong năm 2017, giảm nhẹ so với mức 3,9% của năm 2016.

Ấn Độ tiếp tục là điểm sáng trên bức tranh các nền kinh tế mới nổi, với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,8% trong năm 2016 và 6,5% trong năm 2017, song chỉ đạt mức trung bình 5,8% trong giai đoạn 2017-2021.

Ông Bart van Ark, nhà kinh tế trưởng của Conference Board, cho biết điểm tích cực của báo cáo triển vọng năm nay là mặc dù các nguồn tạo sự tăng trưởng về số lượng (như là sự gia tăng lực lượng lao động và đầu tư vào các kết cấu và máy móc) vẫn góp phần lớn tốc độ tăng trưởng toàn cầu, song sự đóng góp của các nguồn tạo sự tăng trưởng về chất (như là kỹ năng của lực lượng lao động, đầu tư vào công nghệ thông tin và viễn thông, và tăng năng suất kinh doanh) đang dần lớn hơn.

conference board kinh te the gioi tiep tuc tri tre trong nam thu 6Ông Ban van Ark, kinh tế trưởng của Conference Board, phát biểu tại cuộc họp báo. (Nguồn: Vietnam+)

Ước tính, sự tăng trưởng về chất sẽ ngày càng chiếm phần nhiều hơn trong tốc độ tăng trưởng chung của toàn cầu trong thập niên tới.

Do đó, ông Bart khuyến cáo chìa khóa để đưa nền kinh tế thế giới thoát khỏi bãi lầy trì trệ cần tập trung vào các nguồn tạo sự tăng trưởng về chất.

Về tác động của kết quả bầu cử tại Mỹ, ông Bart van Ark nhận định chiến thắng của ông Donald Trump không làm thay đổi bức tranh tăng trưởng tổng thể.

Những biện pháp chính sách tài chính như là cắt giảm thuế và đầu tư vào hạ tầng cơ sở có thể tạo cú huých tăng trưởng cho nước Mỹ trong thời gian trung hạn.

Song trước mắt, những biện pháp này chỉ có thể gây tác động nhỏ bởi lẽ nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bắt đầu hoạt động hết công suất và đang phải đương đầu với khả năng lãi suất tăng, khiến đầu tư vốn đã thấp lại tiếp tục bị cắt giảm.

Mặt khác, xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ cũng khó có thể thay đổi vì chương trình nghị sự hiện nay của ông Trump xem ra chưa đặt ưu tiên cho việc tạo ra sự tăng trưởng về chất cho nền kinh tế.

Về số phận của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), Conference Board dự đoán rằng hai hiệp định này gần như chắc chắn sẽ sụp đổ dưới thời chính quyền Tổng thống đắc cử Trump.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, TPP thất bại không đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể tạo ra một khu vực mậu dịch tự do thay thế bởi lẽ các quốc gia sẽ không thấy nhiều lợi ích khi gia nhập một khu vực như vậy./.