|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

'Cơn sốt' tỷ giá có lặp lại vào 2024?

15:00 | 12/02/2024
Chia sẻ
Tỷ giá VND/USD đã có vẻ tạm bình ổn sau những dự báo Fed sẽ sớm hạ lãi suất, tuy nhiên cuộc xung đột nổ ra tại Biển Đỏ cùng cũng bất ổn mới khiến Fed có thể sẽ phải cân nhắc về quyết định giữ lãi suất ở mức cao lâu lơn. Điều này cũng tác động làm tăng giá USD, gây ra những "cơn sốt" tỷ giá.

Trên thế giới, giá đồng đô la Mỹ (USD) đang có xu hướng tăng khi các nhà đầu tư tiếp tục mua vào với kỳ vọng FED sẽ không sớm cắt giảm lãi suất. Tính đến ngày 25/01/2024, chỉ số giá đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 103,18 điểm, tăng 0,24% so với tháng trước.

Trong nước, tỷ giá trung tâm VND/USD ngày 7/2 là 23.956 VND. Tuy nhiên, giá USD bình quân trên thị trường tự do đã lần đầu vượt 25.000 đồng kể từ tháng 10/2022 và hiện tại dù giảm đôi chút nhưng vẫn ở mức cao. 

USD gia tăng sức mạnh

“Tỷ giá USD/VND vẫn chịu áp lực tăng trong quý I/2024” là đánh giá của ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam. Theo vị chuyên gia này, có hai lý do khiến đồng bạc xanh củng cố sức mạnh trong tháng 1.

Đầu tiên, những tín hiệu tích cực từ thị trường lao động và kinh tế Mỹ thời gian gần đây cùng những phát biểu của các thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) về việc sẽ tiếp tục hành động dựa vào dữ liệu thực tế, đã khiến thị trường dần cắt giảm kỳ vọng việc FOMC sẽ sớm hạ lãi suất điều hành.

Diễn biến này khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng nhẹ trở lại, kéo theo USD lấy lại sức mạnh trên thị trường quốc tế. Chỉ số USD Index - đo lường sức mạnh của đồng USD với một rổ các tiền tệ khác - hiện duy trì trên mức 103. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến các đồng nội tệ tại châu Á, trong đó có Việt Nam, suy yếu hơn so với USD.

Diễn biến lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam và Chỉ số DXY giai đoạn 2018 - 2023. (Nguồn: VNDirect).

Trên thực tế, hầu hết các đợt tỷ giá VND/USD tăng cao đều xuất phát từ nguyên nhân đồng bạc xanh tăng giá. Trong đó, bất n địa chính trị luôn là chất xúc tác để dòng tiền tìm về USD như một kênh trú ẩn an toàn.

Trong năm 2023, USD Index đã từng tăng lên trên 106 điểm khiến tỷ giá tăng cao. Có thời điểm VND đã mất giá trên 4% so với USD. Chênh lệch lãi suất vẫn ở mức cao là nguyên nhân khiến tỷ giá vẫn có khả năng tăng trong nửa đầu năm. Chỉ khi nào USD đạt đỉnh, Fed quay đầu hạ lãi suất thì mới có thể giảm áp lực cho tỷ giá.

Một yếu tố nữa tác động đến tỷ giá năm 2024 là các bất ổn địa chính trị trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng cuộc xung đột Biển Đỏ gây tác dụng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, khiến nền kinh tế hồi phục về trạng thái bình thường trở nên khó khăn hơn do chi phí sản xuất tăng cao kéo theo giá cả tăng gây nguy cơ lạm phát.

Một khi giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ càng chậm lại trở lại bình thường, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân bình luận.

Tỷ giá 2024: Việt Nam vẫn ở thế chủ động

Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: Hạ An).

Với yếu tố tỷ giá, ông cho rằng về cơ bản Việt Nam vẫn chủ động được. Việt Nam có những lợi thế về cán cân thương mại hàng hoá thặng dư lớn, giải ngân FDI tương đối tích cực. 

Năm 2023, cán cân thương mại hàng hoá Việt Nam thặng dư trên 28 tỷ USD. Đồng thời, giải ngân vốn FDI cũng lập kỷ lục trên 23 tỷ USD là những yếu tố thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gia tăng dự trữ ngoại hối.

Bước sang năm 2023, nền sản xuất dần phục hồi, nhập khẩu nhiều khả năng sẽ tăng trưởng nhanh hơn xuất khẩu đôi chút nhưng nhìn chung, cán cân tổng thể vẫn đang giúp Việt Nam có thế chủ động để điều tiết về mặt tỷ giá, chuyên gia nhận định.

Theo ước tính của CTCK VNDirect, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang khá dồi dào, ở khoảng 95 - 96 tỷ USD, tạo dư địa cho NHNN ứng phó nếu USD Index tăng cao. 

 

Mặc dù bối cảnh thế giới có những sự kiện tiêu cực xảy ra gần đây nhưng xu hướng chung vẫn sẽ là nới lỏng, hạ lãi suất dần dần.

Các sự kiện chỉ có thể làm chậm quá trình hạ lãi suất so với trước kia khi chưa có vấn đề gì xảy ra. Chứ tăng lãi suất là điều sẽ khó xảy ra bởi vì kinh tế giới đã tới hạn khó khăn rồi và không thể chịu thêm bất kỳ đợt tăng lãi suất nào nữa”, ông nói.

Do đó, năm 2024 tỷ giá có lẽ không phải là vấn đề quá lớn với nền kinh tế VIệt Nam.

Ngoài ra, tỷ giá cũng phụ thuộc vào lạm phát trong nước. Nhìn chung, lạm phát ở Việt Nam vẫn tương đối kiểm soát được. Tình hình dư thừa sản xuất , nguồn cung ở cả Trung Quốc và VIệt Nam trong khi nhu cầu yếu đã ngăn giá cả tăng cao.

Những đợt sốt vàng hay ngoại tệ gần đây trên thị trường tự do chủ yếu là hoạt động đầu cơ. Điều này không đáng ngại nếu NHNN tiếp tục kiểm soát được lạm phát cũng như không nóng vội trong việc hạ lãi suất huy động quá thì sẽ không tác động đến ổn định vĩ mô.

Hạ An