|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Con đường thăng tiến của ông Tề Trí Dũng và phi vụ 'đốt tiền' của Công ty Tân Thuận

11:34 | 15/05/2019
Chia sẻ
Ở tuổi 34, ông Tề Trí Dũng được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận. Dưới thời ông Dũng, Công ty Tân Thuận đã khiến cho tài sản Nhà nước bị thất thoát đáng kể sau những phi vụ chuyển nhượng khó hiểu.

Ngày 14/5, cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP.HCM) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Tề Trí Dũng, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) về 2 tội danh: Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí. 

Con đường thăng tiến của ông Tề Trí Dũng

Ông Tề Trí Dũng sinh ngày 14/8/1981, quê quán tại phường Tân Định, quận 1, TP HCM.

Ông Dũng có trình độ chuyên môn là Thạc sĩ Quản lý Kinh tế, Trung cấp Lý luận chính trị; nguyên là Đại biểu HĐND TP HCM khóa IX (nhiệm kỳ 2016 - 2021).

Từ tháng 8/2003 đến tháng 9/2007, ông Dũng công tác tại Công ty Dầu khí TP HCM, giữ chức vụ Trưởng bộ phận thị trường - Phòng kinh doanh, Phó Bí thư Thường trực Đoàn TNCS HCM Công ty.

Con đường thăng tiến của ông Tề Trí Dũng và phi vụ đốt tiền của Công ty Tân Thuận - Ảnh 1.

Ông Tề Trí Dũng. Ảnh: Pháp luật TP HCM.

Thời điểm trên, ông Dũng cũng nằm trong danh sách tham gia chương trình đào tạo 300 thạc sĩ - tiến sĩ của thành phố.

Từ tháng 10/2007 đến tháng 12/2010, ông Dũng công tác tại Tổng Công ty Bến Thành, giữ các chức vụ: Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế toán (tháng 10/2007), Trưởng phòng Tài chính (tháng 6/2009);  Đảng ủy viên Tổng Công ty Bến Thành (tháng 8/2010).

Từ tháng 1/2011 đến tháng 2/2014, ông Dũng là Đảng ủy viên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bến Thành. Từ tháng 3/2014 đến tháng 9/2014, ông Dũng là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bến Thành.

Từ tháng 10/2014 đến tháng 4/2015, ông Dũng lên chức Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bến Thành.

Tháng 5/2015, ở tuổi 34, ông Tề Trí Dũng được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC, công ty trực thuộc UBND TP HCM). Ông Dũng đảm nhiệm chức vụ này từ thời điểm đó cho đến nay. 

Loạt sai phạm liên quan tới Công ty IPC dưới thời ông Tề Trí Dũng

Theo Tuổi Trẻ, dưới sự "dẫn dắt" của ông Dũng, Công ty IPC đã khiến cho tài sản Nhà nước bị thất thoát đáng kể sau những phi vụ chuyển nhượng khó hiểu.

Tháng 10/2018, Chủ tịch UBND TP ra thông báo kết luận đối với kết luận về việc thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh tại Công ty IPC.

Theo kết luận này, nhiều sai phạm liên quan được chỉ ra có vai trò của ông Dũng là Tổng giám đốc công ty. Ngay sau đó, ông Dũng bị tạm đình chỉ công tác vì gây trở ngại cho công tác thanh tra.

Cuối tháng 10/2018, hồ sơ vi phạm của của công ty IPC được chuyển cho Công an TP HCM điều tra. Tháng 11/2018, Thanh tra TP theo chỉ đạo của UBND TP tiếp tục thành lập đoàn thanh tra công ty IPC về một số nội dung chưa được làm rõ tại kết luận thanh tra nêu trên.

Tháng 4/2019, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo đôn đốc xử lý sau thanh tra, kiểm điểm trách nhiệm đồng thời về mặt Đảng và Chính quyền đối với các cá nhân có sai phạm liên quan.

Ngày 14/5/2019, cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP HCM) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Tề Trí Dũng về 2 tội danh: Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Sáng 15/5/2019, theo thông tin từ Thanh Niên, ông Trương Lâm Danh, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP HCM cho hay HĐND TP HCM đã quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu HĐND của thành phố này (nhiệm kỳ 2016 - 2021) của ông Tề Trí Dũng vì lý do ông Dũng bị khởi tố và bắt tạm giam nói trên.

Theo tìm hiểu của PV, hiện IPC có 9 công ty thành viên bao gồm: Công ty TNHH Tân Thuận (TTC); Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (PMH); Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco); Công ty CP Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC); Công ty CP Long Hậu (LHC); Công ty Cảng container Trung tâm Sài Gòn (SPCT); Công ty CP thương mại dịch vụ Hiệp Tân (HTC); Công ty CP Tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL) và Công ty TNHH Sepzone – Linh Trung.

Thông tin từ Zing cho biết, năm 2015, Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) có vốn điều lệ 170 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận rất cao, tỷ lệ chia cổ tức hàng năm có thời điểm lên đến 40%. Vào năm 2015 khi duyệt đề án tái cơ cấu, UBND TP yêu cầu IPC (lúc này đang chiếm tỷ lệ sở hữu vốn 44% tại Sadeco) không cần phải giảm thêm tỷ lệ sở hữu vốn, nhất là trong bối cảnh công ty mang về lợi nhuận rất cao.

Dù vậy, vào tháng 6/2017, IPC lại biểu quyết tăng vốn điều lệ Sadeco bằng hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim, đồng thời giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại Công ty Sadeco từ 44% xuống còn 28,8%. Sau phát hành cổ phiếu, Công ty Nguyễn Kim chiếm 34,6% vốn điều lệ Công ty Sadeco.

Việc phát hành cổ phiếu không chỉ khiến cho tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại Công ty Sadeco giảm mà còn gây thiệt hại tài sản Nhà nước. Cụ thể, Thanh tra TP.HCM xác định vào tháng 9/2016, Công ty Exim chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim là 57.000 đồng/cổ phiếu của Sadeco nhưng đến tháng 6/2017, Công ty Sadeco chuyển nhượng cho Công ty Nguyễn Kim với giá chỉ có 40.000 đồng/cổ phiếu.

Cơ quan thanh tra tính toán trong thương vụ chuyển nhượng 9 triệu cổ phiếu này, chỉ riêng phần chênh lệch 17.000 đồng/cổ phiếu thì thiệt hại ít nhất đã là 153 tỷ đồng. Nếu tính luôn cả biến động giá đất tăng vào đầu năm 2017 ở khu nam khi thành phố sốt đất thì số tiền thiệt hại còn nhiều hơn nữa.

Thanh tra TP.HCM nhận định việc phát hành cổ phần tăng vốn để bán chỉ định cho một cổ đông (là Công ty Nguyễn Kim) mà không qua đấu giá là không đảm bảo pháp lý thẩm định giá, không thể hiện tính công khai, minh bạch... Hậu quả là cổ đông nhà nước mất quyền chi phối, lợi ích của Công ty Sadeco và của cổ đông nhà nước bị thiệt hại.

Zing cho biết thêm, sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì IPC và Sadeco tìm cách đối phó. Cụ thể, ngày 29/8/2018, Công ty Sadeco và Công ty Nguyễn Kim có biên bản làm việc với nội dung Công ty Nguyễn Kim sẽ hoàn trả tất cả 9 triệu cổ phần cho Công ty Sadeco. Ngày hôm sau, HĐQT Công ty Sadeco đã thông qua việc thu hồi cổ phần đã phát hành cho Công ty Nguyễn Kim.

Thanh tra TP.HCM đánh giá việc làm này của IPC và Sadeco trong quá trình thanh tra là xem thường kỷ luật, kỷ cương, có dấu hiệu đối phó, gây trở ngại cho hoạt động thanh tra.

Theo thông tin mới nhất, sáng nay (15/5), Công an TP HCM đã thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Tổng giám đốc Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn - bà Hồ Thị Thanh Phúc - để điều tra 2 tội danh Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Khánh Hà (Tổng hợp)

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.