|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Có tình trạng chia nhỏ dự án để không trình ra Quốc hội

21:35 | 05/04/2019
Chia sẻ
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) nhận định, có tình trạng chia nhỏ dự án ra để không phải trình xin ý kiến Quốc hội. Do vậy, cần duy trì dự án trọng điểm quốc gia có mức vốn đầu tư 10 nghìn tỷ đồng, thay vì 20 nghìn tỷ đồng như đề xuất.
Có tình trạng chia nhỏ dự án để không trình ra Quốc hội - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ)

Ngày 5/4, các Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công sửa đổi. Đề cập đến tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia phải trình ra Quốc hội cho ý kiến, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, việc nâng con số từ 10 nghìn hiện nay lên 20 nghìn tỷ đồng là không hợp lý.

Bởi theo ông, nếu tính yếu tố trượt giá, thì tổng mức đầu tư dự án sẽ phải tăng lên, nhưng với quy định mức vốn 10 nghìn tỷ đồng như hiện nay cũng chỉ có 2 dự án trình xin ý kiến Quốc hội trong thời gian qua. Ông Hàm nhận định, nếu điều chỉnh lên mức cao hơn thì có thể nhiệm kỳ tới, Quốc hội sẽ không quyết định dự án nào. Do vậy, ông đề nghị nên để ở mức 10 nghìn tỷ đồng là dự án quan trọng quốc gia.

Tuy nhiên, theo Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách, với những dự án nhóm A, B,C nếu thấy bất cập thì có thể điều chỉnh. Vì địa phương có thể làm được điều này do đang đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương. Nếu dự án quốc gia 10 nghìn tỷ đồng, còn dự án nhóm A là 2.700 tỷ đồng, chênh nhau nhiều quá thì có thể tăng dự án nhóm A, B, C lên cho gần hơn với nhóm dự án quan trọng quốc gia.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng, số vốn 10 nghìn tỷ đồng trở lên với dự án quan trọng quốc gia vẫn là con số lớn. “Đúng ra thì càng thấp càng dễ đảm bảo. Do đó nên giữ nguyên mức 10 nghìn tỷ đồng, vì thời gian qua còn có tình trạng chia nhỏ dự án ra để không phải trình xin ý kiến Quốc hội”, ông Xuân lưu ý.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cũng cho rằng, hiện đang có tình trạng chia nhỏ dự án ra để làm như kiểu “làm xiếc”. Mặt khác, hiện đang có tình trạng công trình thì khan vốn, còn nhà đầu thì tư dư vốn nhưng lại không giải ngân được. Chính vì vậy, theo ông Sinh, cần có quy định để làm sao đẩy nhanh được quá trình giải ngân vốn, đặc biệt đối với các dự án ODA.

Theo đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình),việc đầu tư còn chậm trễ với nhiều thủ tục do phân cấp chưa mạnh, phân quyền chưa đi liền với phân cấp, nên dự án nào cũng chậm trễ.

“Do đó cần phân cấp phân quyền mạnh hơn cho chính quyền địa phương, thay tiền kiểm bằng hậu kiểm. Cả bộ máy phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ chứ bộ làm hết thì địa phương chả biết làm gì. Phân cấp đi đôi với phân quyền nhiều hơn mới bớt đi thủ tục hành chính, bớt chuyện xin cho, tiến độ dự án mới làm nhanh, gọn không kéo dài”, ông Phương phân tích.

Theo đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam), với dự án cấp bách cần phải đầu tư để giải quyết an sinh xã hội, quốc phòng thì phải đầu tư chứ không nên quá chú trọng tới tổng mức đầu tư dự án. Điều quan trọng là giải quyết vấn đề đất nước đang đặt ra chứ không phải dự án đó bao nhiêu tiền”, đại biểu Bình cho hay.

Luân Dũng

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.