Có thể sẽ ban hành chính sách nhân rộng khoán xe công vào quý II/2017
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017.
Chủ đề năm 2017 mà Chính phủ đề ra đó là “tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững” tập trung triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu, trong năm 2017, Bộ Tài chính thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ và chủ động phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Hoàn thành kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ, nhưng không làm ảnh hưởng đến việc huy động và tăng trưởng tín dụng phục vụ đầu tư sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương triệt để tiết kiệm ngân sách Nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ dự toán chi ngân sách Nhà nước, nhất là kinh phí họp, hội nghị, hội thảo, tiếp khách, đi công tác trong nước, nước ngoài, lễ hội, mua sắm xe ô tô và trang thiết bị đắt tiền của các bộ, ngành trung ương và địa phương theo tinh thần triệt để tiết kiệm.
Đáng chú ý, theo kế hoạch mà Chính phủ "đặt hàng" cho Bộ Tài chính đó là trong quý II năm 2017, Bộ Tài chính phải trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách nhân rộng khoán xe công.
Mới đây, tiếp theo thành công bước đầu trong khoán xe công đối với chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng và tương đương, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu mở rộng diện khoán xe sang các tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Bộ quản lý. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng có văn bản đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác thuộc Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm, bố trí, sử dụng xe ô tô đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2020 sẽ giảm khoảng 30-50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các bộ, ngành, địa phương, trừ các đơn vị thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ Tài chính vẫn đang là cơ quan "đơn độc" trong việc áp dụng chế độ khoán xe công.
Trở lại với Nghị quyết 01 của Chính phủ, Bộ Tài chính cũng được yêu cầu kiên quyết cắt giảm những khoản chi thường xuyên đã có trong dự toán nhưng đến ngày 30 tháng 6 năm 2017 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, trừ trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương của các bộ, ngành trung ương và địa phương.
Nghị quyết 01 của Chính phủ nêu rõ, các bộ, ngành trung ương và địa phương triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên; trên cơ sở dự toán ngân sách Nhà nước được giao, tự cân đối, bố trí nguồn điều chỉnh tăng lương theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017.
Thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương theo chế độ: Một phần số thu để lại theo chế độ và tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngoài lương và có tính chất lương của các cơ quan, đơn vị; 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) và giữ lại phần tiết kiệm ở các cấp ngân sách (không kể các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo quy định của pháp luật) để thực hiện cải cách tiền lương.
Đối với những địa phương ngân sách khó khăn, sau khi thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương mà vẫn thiếu nguồn, ngân sách trung ương hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2017. Các địa phương chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang năm sau để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Ngân sách trung ương không hỗ trợ kinh phí thực hiện cải cách tiền lương cho các địa phương có dư nguồn cải cách tiền lương hoặc đề xuất Thủ tướng Chính phủ chuyển nguồn thực hiện cải cách tiền lương cho nhiệm vụ khác trong giai đoạn 2017 - 2020.