|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Có thể 'hồi sinh' sông Tô Lịch bất chấp hàng trăm nghìn m3 nước thải đổ vào mỗi ngày?

11:25 | 17/05/2019
Chia sẻ
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn làm sạch được sông Tô Lịch cần phải chặn nguồn nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý hàng ngày đổ vào dòng sông này. Tuy nhiên, chuyên gia Nhật Bản cho rằng, nước thải liên tục đổ vào vẫn làm sạch được dòng sông.

Ngày 16/5, một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây chính thức được TP Hà Nội xử lý thí điểm làm sạch môi trường bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản. Chuyên gia Nhật Bản cho rằng, với công nghệ này chỉ sau 3 ngày mùi hôi của sông Tô Lịch sẽ giảm và sau vài tháng, dòng sông này sẽ "hồi sinh".

Tuy nhiên, nhiều người dân cũng như các chuyên gia đều chưa thực sự tin tưởng công nghệ trên. Họ cho rằng, muốn làm sạch được sông Tô Lịch cần phải chặn nguồn nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý hàng ngày đổ vào dòng sông này. Bởi dọc 2 bên bờ sông Tô Lịch có gần 300 cống lớn nhỏ, hàng ngày có khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ xuống dòng sông.

Liên quan đến nội dung trên, phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên hợp quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản.

Có thể hồi sinh sông Tô Lịch bất chấp hàng trăm nghìn m3 nước thải đổ vào mỗi ngày? - Ảnh 1.

Tiến sĩ Tadashi Yamamura trao đổi với phóng viên Dân trí.

- Hà Nội đã khởi động Dự án tài trợ thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản. Ông có thể giới thiệu về công nghệ này?

- Công nghệ này gồm hai thiết bị, đó là: Các máy sục khí Nano và các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor (được làm từ đá núi lửa của Nhật Bản).

Các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor sau khi được đặt dưới lòng sông sẽ kích hoạt được hầu hết các vi sinh vật ở cả hai dạng hiếu khí và kỵ khí. Các vi sinh vật này tiết ra rất nhiều enzyme làm phân cắt phân tử nước H-O-H, giải phóng oxy từ trong phân tử nước, cung cấp nguồn oxy vô tận cho thủy sinh, giúp nồng độ oxy hòa tan trong nước (DO) tăng mạnh, là điều kiện thuận lợi cho các loài như cá, thủy sinh trong nước phát triển tốt.

Có thể hồi sinh sông Tô Lịch bất chấp hàng trăm nghìn m3 nước thải đổ vào mỗi ngày? - Ảnh 2.

Vận chuyển các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor để nắp đặt xuống sông Tô Lịch.

Có thể hồi sinh sông Tô Lịch bất chấp hàng trăm nghìn m3 nước thải đổ vào mỗi ngày? - Ảnh 3.

Vận chuyển các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor để nắp đặt xuống sông Tô Lịch.

Việc đặt các máy sục khí công nghệ nano để tăng hiệu quả, tốc độ xử lý và giảm lượng bùn ở dưới đáy. Máy sục khí nano của Nhật Bản tạo ra các bọt khí kích thước micro (đường kính nhỏ hơn 50µm) và nano (đường kính nhỏ hơn 0,05µm) rất nhỏ nên nó chìm xuống phần tầng giữa và tầng đáy của hồ có tác dụng phân giải các chất bẩn, bùn ở tầng giữa và tầng đáy.

Có thể hồi sinh sông Tô Lịch bất chấp hàng trăm nghìn m3 nước thải đổ vào mỗi ngày? - Ảnh 4.

Lắp đặt máy sục khí Nano xuống sông Tô Lịch.

- Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn ô nhiễm ở sông Tô Lịch vẫn là việc nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra sông, do đó giải pháp làm sạch bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản vẫn mới chỉ là tạm thời. Giải pháp căn cơ là phải tách nguồn nước thải sinh hoạt khỏi sông Tô Lịch, đưa về nhà máy xử nước thải tập trung. Ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi cho rằng nhiều người đang hiểu sai hoặc hiểu chưa đầy đủ về công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản. Bằng công nghệ này, chúng tôi đã thực hiện thành công ở một số nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Indonesia…

Theo số liệu chúng tôi có được, dọc sông Tô Lịch có gần 300 cống lớn nhỏ, hàng ngày có khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt qua các cống này đổ trực tiếp xuống dòng sông. Nhưng với công nghệ này chúng tôi đặt dưới lòng sông Tô Lịch thì vẫn làm sạch được.

Công nghệ của chúng tôi có thể xử lý được hơn 1,3 triệu m3/ngày đêm, tức là gấp 9 lần lượng nước chảy vào, tốc độ xử lý là nhanh bằng 6 lần tốc độ âm  thanh, nên lượng nước chảy vào sẽ được xử lý ngay trong ngày và sẽ không còn ô nhiễm. Công nghệ này được ví như "nhà máy xử nước thải" ngay dưới lòng sông.

Nước sẽ được “tự làm sạch” hết mùi hôi thối mặc dù nước thải hàng ngày vẫn chảy xả vào sông Tô Lịch: Do lắp đặt các  tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor, các máy sục khí công nghệ nano ở dưới lòng sông, nên dù vẫn có nước thải chảy xả vào sông hồ hàng ngày, nhưng do lượng bùn tích tụ ở tầng đáy gây ra mùi hôi thối đã bị phân hủy nên dưới tác động của các bọt khí kích thước nano và chất xúc tác Nano Bioreactor sẽ kích hoạt các vi sinh vật có lợi, phân giải tức thì các chất bẩn, bùn, vi khuẩn có hại thành khí CO2 và nước H2O. Do vậy không còn khí độc H2S hay NH3 gây ra mùi hôi thối độc hại ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh.

- Như ông nói ở trên thì việc làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản giống như "nhà máy xử nước thải" ngay dưới lòng sông, vậy nó có khác gì so với nhà máy xử lý nước thải tập trung thông thường?

- Công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản sẽ tiết kiệm ngân sách, hiệu quả xử lý bền vững và không bị tái ô nhiễm: Các tấm Nano Bioreactor được làm chủ yếu từ đá núi lửa Nhật Bản với bí quyết công nghệ đặc biệt là bột đá và không tan trong nước, tồn tại gần như vĩnh viễn. Kết hợp với máy sục khí công nghệ nano với thời gian sử dụng chu kỳ lên đến trên 25 năm không phải mất thêm chi phí định kỳ để xử lý như 1 năm, 2 năm lại phải nạo vét bùn đáy hay hàng tháng, phải bổ sung định kỳ chế phẩm sinh học như công nghệ khác nên rất tiết kiệm cho ngân sách.

Có thể hồi sinh sông Tô Lịch bất chấp hàng trăm nghìn m3 nước thải đổ vào mỗi ngày? - Ảnh 5.

Người dân Thủ đô hi vọng Công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản sẽ làm sạch được sông Tô Lịch.

Có thể hồi sinh sông Tô Lịch bất chấp hàng trăm nghìn m3 nước thải đổ vào mỗi ngày? - Ảnh 6.

Người dân Thủ đô hi vọng Công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản sẽ làm sạch được sông Tô Lịch.

Còn như suy nghĩ của nhiều người là phải tách nguồn nước thải sinh hoạt rồi thu gom về nhà máy xử lý nước thải tập trung, việc này rất tốn kém: Sông Tô Lịch dài hơn 14km, chúng ta sẽ phải đầu tư đường ống dài như vậy để gom nước thải. Xây dựng nhà máy xử lý nước thải cũng tốn kém kinh phí và mất một diện tích đất lớn. Khi xây xong, nhà máy sẽ phải dùng điện 24/24h để hoạt động, trong khi thiết bị của Công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản chỉ chạy 6 tiếng/ngày.

Kể cả chúng ta tách được nguồn nước thải sinh hoạt như vậy thì dòng sông vẫn tồn tại 3 vấn đề đó là: mùi hôi, chất lượng nước không thay đổi và lượng bùn vẫn còn.

Công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản sẽ xử lý ở đầu nguồn các dòng sông, do đó, hạ lưu các con sông sẽ dần được cải thiện và sinh vật sẽ phát triển được.


Nguyễn Dương